Đừng bỏ qua những dấu hiệu giống kinh nguyệt, đây có thể là triệu chứng ban đầu của một số căn bệnh phổ biến ở phụ nữ mà bạn nên đi kiểm tra sớm đấy!
Bạn cảm thấy chướng bụng, trở nên khó tính hay mệt mỏi hơn, thậm chí là co thắt bụng dưới và nổi mụn nhiều trên mặt? Đây là những dấu hiệu giống như khi kỳ kinh nguyệt sắp đến hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt. Thực tế, có nhiều nguyên nhân khác cũng khiến bạn mắc phải các triệu chứng tương tự như trên mà không phải do kinh nguyệt.
Dưới đây là 9 nguyên nhân bạn có thể gặp phải khi xuất hiện các dấu hiệu kinh nguyệt nhưng kỳ kinh thực sự không đến.
1. Chu kỳ không rụng trứng
Nếu cơ thể bạn xuất hiện các triệu chứng báo hiệu trước kỳ kinh nhưng “ngày đèn đỏ” lại không đến thì có thể tháng đó cơ thể bạn không rụng trứng. Có khoảng 10 đến 18% chu kỳ bình thường nhưng bạn có thể không rụng trứng. Đây là một tỷ lệ tương đối phổ biến đối với phụ nữ.
2. Dấu hiệu bạn đã có thai
Nếu bạn đã quan hệ tình dục không tránh thai, sử dụng biện pháp tránh thai bằng xuất tinh ngoài hay quên uống thuốc tránh thai, bạn nên kiểm tra xem mình có thai không nhé. Rất nhiều triệu chứng của mang thai sớm gồm đau căng vú, thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, co thắt bụng dưới đều tương tự như khi bạn sắp và đang trong kỳ kinh vậy.
Bởi vì sự thay đổi của hormone cũng như tử cung trong giai đoạn mang thai sớm có cùng con đường tác động như chu kỳ kinh nguyệt. Khi mang thai, bạn có thể ra một ít máu quanh khoảng thời gian mà bạn sẽ có kinh, nhưng đó là phản ứng của nội mạc tử cung khi bào thai đến làm tổ chứ không phải kinh nguyệt thật sự. Nếu nghi ngờ bản thân mang thai, bạn có thể dùng que thử thai tại nhà. Nếu âm tính, bạn có thể thử lại sau 3 đến 4 ngày hay đến khám bác sĩ nhé.
3. Bệnh lý tại tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở vùng trước cổ của bạn, thực hiện và điều hòa nhiều chức năng trong đó có chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, khi tuyến giáp bất thường sẽ không sản xuất lượng hormone tuyến giáp thích hợp, dù là cường giáp hay suy giáp đều sẽ ảnh hưởng đến hormone FSH và LH. Hai hormone này có vai trò điều hòa sự rụng trứng, chu kỳ kinh của bạn sẽ không đều nếu FSH và LH bất thường.
Bạn có thể phải chịu đựng các triệu chứng trước kỳ kinh nguyệt trong thời gian dài. Tuyến giáp điều hòa chức năng não bộ khiến bạn xuất hiện các vấn đề về tâm thần như thay đổi tâm trạng thất thường. Bạn có thể bị ra máu âm đạo ít hay co thắt bụng dưới do lớp nội mạc tử cung cứ dày lên mà không bong tróc khi không có sự rụng trứng.
Hãy khám bác sĩ nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu của tuyến giáp như sụt cân hay tăng cân nhanh chóng, run tay, hồi hộp, hay mệt mỏi nhiều nhé.
4. Tránh thai bằng hormone
Một trong những tác dụng phụ phổ biến của dụng cụ tránh thai chứa hormone là mất kinh. Vì dụng cụ tử cung làm mỏng nội mạc tử cung nên kỳ kinh sẽ không xuất hiện.
Thuốc tránh thai có thể khiến bạn ra ít máu âm đạo chứ không khiến bạn ra máu nhiều như kỳ kinh thật sự. Tuy nhiên, bạn có thể vẫn trải qua các triệu chứng như đau căng vú tương tự như trong kỳ kinh vậy.
5. Bạn trong giai đoạn stress
Căng thẳng hay stress là lý do thường gặp khi bạn bị mất kinh. Vì căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol trong máu, làm mất cân bằng nhiều hormone khác trong cơ thể bao gồm các hormone điều hòa sự rụng trứng và tử cung. Khi bạn bị căng thẳng, nội mạc tử cung vẫn phát triển nhưng lại không bong tróc được, kỳ kinh bạn sẽ không đều hay bạn sẽ bị co thắt bụng dưới.
Ví dụ như khi bạn có người thân mất đi, ly hôn hay các căng thẳng tâm lý lớn khác sẽ làm kỳ kinh bạn thất thường. Bạn nên khám bác sĩ, tập thể dục hay yoga, sử dụng thuốc cần thiết để giúp giảm thiểu căng thẳng cho bản thân, giúp kỳ kinh của bạn đều đặn trở lại.
6. Hội chứng đa nang buồng trứng
Hội chứng đa nang buồng trứng là tình trạng mà bạn có dư lượng hormone androgen trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, phát triển lông tóc, tăng cân và nhạy cảm với insulin.
Hội chứng đa nang buồng trứng có thể khiến bạn xuất hiện các chu kỳ kinh không rụng trứng, gây ra máu âm đạo bất thường. Hội chứng trên khiến nhiều nang tăng trưởng trong buồng trứng và khi các nang này vỡ ra có thể khiến bạn cảm thấy đau bụng giống như trong kỳ kinh vậy. Lông tóc phát triển bất thường liên quan đến mất cân bằng hormone có thể bạn sẽ bỏ qua hay nhầm lẫn tăng cân trong hội chứng này liên quan đến sự chướng bụng trong kỳ kinh.
Có khoảng 20% phụ nữ trên thế giới mắc phải hội chứng này, thường gặp trên những người thừa cân béo phì hay mang tính di truyền. Bạn nên khám bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng này, mặc dù chưa có thuốc chữa nhưng bạn sẽ được dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng và khiến chu kỳ kinh đều đặn trở lại.
7. Polyp tử cung
Bạn có thể có polyp lành tính trong tử cung, đó là kết quả của sự tăng trưởng quá mức của lớp nội mạc tử cung. Polyp trong tử cung có thể khiến bạn bị đau bụng và khó chịu như khi bạn sắp hành kinh.
Bởi vì polyp có thể khiến bạn khó mang thai, thậm chí tiến triển ung thư tử cung, bác sĩ có thể sẽ phải cắt bỏ polyp. Hiện nay đã có biện pháp cắt polyp qua nội soi âm đạo tử cung khá đơn giản và phổ biến.
8. U nang buồng trứng
Mỗi tháng, buồng trứng của bạn sẽ phát triển vài nang để chuẩn bị cho việc rụng trứng, nhưng chỉ một nang là có thể phóng noãn. Mặc dù các nang khác thường sẽ tự thoái hóa, nhưng thỉnh thoảng các nang ấy vẫn tồn tại trong buồng trứng.
U nang buồng trứng cũng xảy ra khi bạn không có sự rụng trứng tương tự như hội chứng đa nang buồng trứng. U nang buồng trứng thường không gây triệu chứng nhưng thỉnh thoảng lại làm bạn thấy đau bụng dưới như khi sắp có kinh hay thậm chí đau dữ dội đến mức phải nhập cấp cứu. Vì thế, bạn nên khám bác sĩ nếu bị đau bụng bất thường như trên.
9. Nhiễm trùng phụ khoa
Một vài vi khuẩn lây bệnh qua bệnh tình dục như lậu cầu và chlamydia có thể dẫn đến viêm vùng bụng chậu, gây co thắt hay đau vùng bụng dưới tương tự như khi bạn hành kinh.
Khi bị viêm nhiễm, bạn cần phải uống kháng sinh để điều trị bệnh. Vì thế, nếu bạn bị sốt, buồn nôn hay đau bụng mà dùng thuốc giảm đau không thấy thuyên giảm thì bạn cần đi khám.
Các dấu hiệu trước kỳ kinh nguyệt là bình thường với sức khỏe phụ nữ, tuy nhiên nếu dấu hiệu tiền kinh nguyệt của bạn xuất hiện bất thường như trên thì bạn không nên chủ quan. Đôi lúc đó chỉ là do sự xáo trộn hormone trong cơ thể như stress chẳng hạn, nhưng cũng có thể là báo hiệu của mang thai hay nhiều bệnh có thể nguy hiểm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Vì thế, bạn đừng nên trao đổi và đi khám bác sĩ khi thấy những dấu hiệu bất thường nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 4 biểu hiện kinh nguyệt bất thường bạn nên lưu ý
- Triệu chứng tiền kinh nguyệt và dấu hiệu mang thai khác gì?
- Bạn nên ăn gì để thật thoải mái khi kỳ kinh nguyệt tới?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!