Bệnh nhân ung thư phổi tiên lượng khó khăn hơn
Bệnh ác tính
Ung thư phổi ở Việt Nam nằm trong TOP 3 những bệnh ung thư phổi biến ở nước ta ở cả hai giới. Mỗi năm có gần 20 nghìn người tử vong vì ung thư phổi. Bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn và số bệnh nhân sống trên 5 năm trở nên hiếm hoi.
Theo GS Mai Trọng Khoa- Giám đốc Trung tâm ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai ung thư phổi có hai thể ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15 – 20 % số ca ung thư và độ ác tính cao hơn, điều trị khó hơn.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm số còn lại, việc điều trị dễ hơn nhưng đến nay so với các bệnh ung thư khác thì ung thư phổi vẫn còn rất nhiều hạn chế để điều trị thành công vì bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn.
Trước đây, ung thư phổi thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi thì giờ đây bệnh đang trẻ hoá kể cả những người trên 20 tuổi cũng có thể mắc ung thư phổi.
GS Khoa cho biết, ung thư phổi thường có triệu chứng đau ngực, đau dai dẳng, cố định một vị trí, khó thở khi khối u to, chèn ép, bít tắc đường thở.
Ung thư phổi gây ra hội chứng trung thất đó là u chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây ra phù áo khoác, tĩnh mạch cổ to, tuần hoàn bàng hệ.
Chèn ép thực quản khiến bệnh nhân khó nuốt, nuốt đau. Khối u chèn ép thần kinh quặt ngược trái gây khàn tiếng, giọng đôi.
Khi khối u chèn ép thần kinh giao cảm cổ khiến khe mắt hẹp, đồng tử co nhỏ, gò má đỏ bên tổn thương…
Ung thư phổi chén ép ống ngực chủ tràn dưỡng chấp màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp tim.
Khi ung thư trễ di căn ung thư phổi di căn hạch thượng đòn, nốt di căn da thành ngực, di căn não gây liệt thần kinh khu trú.
Di căn xương gây đau, gãy xương bệnh lý, di căn phổi đối bên, di căn gan…Khi ung thư đã ở giai đoạn cuối di căn, phương pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng. Nghĩa là bệnh nhân đau đâu chữa đấy, ví như nếu khó thở sẽ điều trị cho bệnh nhân dễ thở hơn, nếu tràn dịch màng phổi sẽ dẫn lưu dịch màng phổi...
Đối với những trường hợp bệnh nhân ung thư phổi có 1 khối u di căn ở não nhưng chưa xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể thì hoàn toàn có thể tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ khối u, ngoài ra cũng có thể sử dụng phương pháp hóa trị, xạ trị nhưng hiệu quả sẽ rất thấp.
90% do thuốc lá
Theo GS. Nguyễn Trọng Khoa, nguyên nhân của ung thư phổi là do hút thuốc lá. Tỷ lệ ung thư phổi tăng lên theo tỷ lệ mức độ tiêu thụ thuốc lá. Ung thư phổi ở người trưởng thành nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều và bệnh gia tăng theo số năm hút thuốc và số thuốc hút mỗi ngày.
90% bệnh nhân ung thư phổi là ở người nghiện thuốc lá. Trong khói thuốc lá có hơn 40 chất có khả năng gây ung thư đó là các Hydrocarbure thơm đa vòng như 3 – 4 benzopyren, Dibenzanthracen, Polonium 40, Sélenium trong giấy cuốn thuốc lá. Hút thuốc lá chủ động tăng nguy cơ ung thư phổi lên tới 13 lần.
Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Các nguyên nhân khác đó là ô nhiễm không khí. Do hơi đốt ở các gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ.
Nghề nghiệp, công nhân làm việc ở một số mỏ có nguy cơ ung thư cao như mỏ phóng xạ uranium, mỏ kiền, mỏ cromate, công nhân làm việc trong các ngành nghề có tiếp xúc với amiant, công nghệ hoá dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt.
Ung thư phổi xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữa giới. Có thể do nam giới hút thuốc lá nhiều hơn nữ. ở những nước phát triển có tỷ lệ nữ hút thuốc tăng, người ta cũng thấy số ca ung thư phổi là nữ giới tăng.
Ngoài ra, ung thư phổi còn có các yếu tố địa dư như ở các nước công nghiệp phát triển ung thư phổi rất thường gặp, ở thành thị ung thư phổi cao gấp 5 lần ở nông thôn.
Những người trên 40 tuổi là nam giới, nghiện thuốc lá, thuốc lào, nếu có các triệu chứng ho khan kéo dài, có thể có đờm lẫn máu điều trị kháng sinh không có hiệu quả thì cần đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ ngay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!