Đau vú không phải là dấu hiệu của bệnh nặng, hầu hết không gây khó chịu, chỉ làm lo lắng nếu bệnh nhân hiểu nhầm đau vú là dấu hiệu ung thư.
Nói đến bệnh của tuyến vú, người ta thường nghĩ đến ung thư. Ung thư vú là loại ung thư có tần suất cao nhất ở phụ nữ trên thế giới, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của phái đẹp. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra nhất của tuyến vú lại không phải ung thư.
Ung thư vú chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% là các bệnh lành. Cũng chính các bệnh này đã đưa bệnh nhân đến với thầy thuốc khi bệnh còn rất mới, với một triệu chứng rất ‘tầm thường’ nhưng làm nhiều người xanh mặt, mất ngủ và sụt cân vì tưởng ung thư, đó là: ‘chứng đau vú’. Bác sĩ chuyên khoa ung bướu thường mừng khi nghe bệnh nhân than đau vú nhưng lại thấy lo khi nghe nói có một cục u trong vú mà không hề đau đớn, bởi hầu hết các ung thư vú đều không đau hoặc nếu có đau thì cũng chỉ đôi lúc thấy đau nhè nhẹ.
Đau mơ hồ, nhưng nhức
Đau vú rất thường gặp, nhất là ở phụ nữ còn kinh nguyệt và ít xảy ra hơn ở phụ nữ đã có tuổi, ngoại trừ những người đang dùng nội tiết tố thay thế. Đau theo chu kỳ kinh. Đau nhiều trước khi có kinh khoảng một, hai tuần. Bớt đau dần cho đến khi thấy kinh. Thường đau cả hai vú mặc dù một bên vú có thể đau nhiều hơn. Vùng đau hay gặp là vùng trên ngoài của vú (phía nách). Cảm giác đau mơ hồ, nhưng nhức, có thể lan ra nách và xuống cánh tay cùng bên. Cường độ đau thay đổi, có thể đau nhiều hơn khi mặc áo, khi ngủ. Loại đau vú này hầu hết liên quan với một tình trạng được gọi là thay đổi sợi bọc (xơ nang tuyến vú). Thường gặp nhất ở độ tuổi 30 - 50 tuổi.
Thay đổi sợi bọc được quan tâm nhiều vì làm đau vú và trong vú có những cục u làm bệnh nhân lo sợ mình bị ung thư. Ám ảnh càng nặng nề hơn khi xảy ra ở phụ nữ thuộc lứa tuổi dễ bị ung thư vú nhất. Bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, phối hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, nhũ ảnh, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết) sẽ dễ dàng chẩn đoán được tính chất lành, ác của các cục u.
Trong thay đổi sợi bọc, các cục u trong tuyến vú có thể là nang (tức túi chứa chất dịch), có thể chỉ có một nang nhưng thường là nhiều nang, hình khối tròn hay bầu dục. Dạng nang là dạng dễ điều trị nhất. Với nang nhỏ, không cần điều trị vì có thể tự biến mất. Với nang to chỉ cần rút dịch cho nang xẹp xuống. Các cục u có thể là mảng hay cục đặc (do tình trạng hoá sợi, kích thước vài centimét, giới hạn không rõ, thường ở 1/4 trên ngoài của một vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh hay đau khi ấn vào) hoặc có cả hoá sợi xen lẫn với các nang kể trên (dạng này thường gặp nhất, được gọi là thay đổi sợi bọc hay xơ - nang).
Đau thực sự
Đau vú cũng có thể không theo chu kỳ kinh, thường chỉ ở một vú, có thể liên tục, hoặc không thường xuyên. Có cảm giác nhói, như bị bỏng, hay gặp ở ngay dưới quanh núm vú. Loại đau này ít xảy ra hơn loại trên. Nếu có, là do u lành của vú (u sợi tuyến, một loại u lành có thể làm đau vú và đau tại khối u); viêm tuyến vú do nhiễm trùng vú (có thể xảy ra ở người không giữ được vệ sinh núm vú, nhất là ở phụ nữ đang cho con bú). Vi khuẩn xâm nhập vào vú qua núm vú, từ miệng bé khi bú. Tình trạng viêm này có thể diễn tiến nặng hơn, thành áp-xe vú, với một hay nhiều bọc chứa mủ, làm vú sưng to, căng tròn, rất đau kể cả khi nằm nghỉ và không đụng vào vú. Ngoài ra, đau sụn sườn bên dưới vú, chấn thương ở vú, bị bệnh zona (giời leo) ở vùng ngực cũng làm đau một bên vú.
Thuốc, thực phẩm... cũng là thủ phạm làm vú căng đau
Một số hoạt chất thuộc nhóm xanthines như: caffeine, theophylline, theobromine… cũng là nguyên nhân làm vú căng đau. Các hoạt chất này có trong một số thực phẩm mà nếu dùng thường xuyên hoặc nhiều sẽ làm đau vú: cà phê, trà, cacao, thức uống có cocaine (một số loại nước giải khát có gas), sôcôla… Ngoài ra, một số dược phẩm có thể có tác dụng phụ làm đau vú, như: estrogen (có trong thuốc ngừa thai và thuốc điều hoà kinh nguyệt), digoxin (một loại thuốc chữa bệnh tim), methyldopa (một loại thuốc chữa bệnh tăng huyết áp), spironolactone (một loại thuốc lợi tiểu), oxymetholone (một loại thuốc chữa bệnh loãng xương, thiếu máu và được các vận động viên thể hình dùng để phát triển cơ bắp), chlorpromazine (một loại thuốc chữa bệnh tâm thần), cimetidine (một loại thuốc chữa bệnh dạ dày)…
Có thể tự điều trị các cơn đau
Hầu hết các trường hợp đau vú đều là bệnh nhẹ. Khoảng 60 - 80% trường hợp cơn đau tự biến mất. Nếu đau vú làm khó chịu và kéo dài nhiều ngày, nên dùng thuốc. Trước khi dùng, cần ghi chép lại các thời điểm xuất hiện cơn đau, mức độ đau trong khoảng 1 - 2 chu kỳ kinh, để sau này dễ kiểm tra sự đáp ứng với thuốc.
Bệnh nhân cũng có thể tự điều trị các cơn đau này, bằng cách hạn chế dùng những thực phẩm kể trên. Nếu ghiền thì cứ dùng nhưng chấp nhận… đau. Có thể uống vitamin E nhưng không quá 600mg/ngày (theo một số nghiên cứu, vitamin E có thể làm giảm thay đổi sợi bọc nhưng không chắc chắn); dùng nịt ngực vừa, không chặt quá, nhất là ở những người vú to; chườm nóng lên vú; dùng thuốc giảm đau thông thường… Nếu đau do chấn thương, nên chườm lạnh khoảng 20 phút. Có thể uống thêm thuốc có chứa ibuprofen.
Nếu có viêm, nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh, ngưng cho con bú (tiếp tục cho bú có thể làm bệnh nặng thêm, gây tiêu chảy cho bé) và chườm nóng. Rất hiếm trường hợp phải mổ trừ khi vú có khối u với tính chất nghi ngờ là ung thư (cần được lấy ra để làm xét nghiệm) hoặc có áp-xe vú (sau khi tiêm thuốc tê hoặc gây mê, bác sĩ sẽ rạch thoát lưu mủ)…
Đau vú không phải là dấu hiệu của bệnh nặng, hầu hết không gây khó chịu, chỉ làm lo lắng nếu bệnh nhân hiểu nhầm đau vú là dấu hiệu của ung thư. Đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt thường gia tăng theo tuổi, tự khỏi, nhất là khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Hầu hết không mấy khó chịu và không phải điều trị gì đặc biệt. Đau vú do nhiễm trùng thường khỏi nhanh chóng, không biến chứng nếu điều trị đúng cách với thuốc kháng sinh.
Nam giới có bị đau vú?
Nam giới rất ít khi đau vú. Nếu có thì thường xảy ra ở tuổi thiếu niên do nữ hóa tuyến vú: tuyến vú sưng to đều, thường ở một vú, kèm đau nhẹ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!