Khám sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung được tiến hành tại cộng đồng như thế nào?

Thời sự - 03/29/2024

Hiện tại, Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương đang tích cực tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế đủ điều kiện được lựa chọn thực hiện sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng.

Ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT về việc tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản đến năm 2030, trong đó, mở rộng chú trọng về dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cungtại cộng đồng (Đề án 818 mở rộng).

Tiếp đó, ngày 16/8/2019, Bộ Y tế đã có QĐ 3619/QĐ-BYT phê duyệt Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030.

Theo BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) – đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án thử nghiệm, mục tiêu của Dự án là tăng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ dự phòng sàng lọc, phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần giảm nhanh gánh nặng ngân sách nhà nước.

Khám sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung được tiến hành tại cộng đồng như thế nào?

Khám sàng lọc ung thư vú cho người dân tại các cơ sở y tế. Ảnh: TL

Theo đó, các chỉ báo cần đạt được đến năm 2025 cụ thể như: Ít nhất 90% người dân có nhu cầu được cung cấp kiến thức về nguy cơ và dự phòng ung thư vú và ung thư cổ tử cung; ít nhất 30% số phụ nữ trên 40 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư vú phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường.

Ít nhất 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường.

Bên cạnh đó, 100% cơ quan dân số cấp tỉnh, huyện trực tiếp quản lý, điều phối và tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung của Dự án; 90% cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ quản lý, người tham gia cung ứng sản phẩm dự phòng, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các nội dung Dự án và trực tiếp tham gia phân phối sản phẩm và một số hoạt động trong cung cấp dịch vụ đã được quy định của Dự án.

Ngoài ra, Dự án phấn đấu huy động các tổ chức, đơn vị, tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phân phối, cung ứng sản phẩm, dịch vụ về dự phòng, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung góp phần tăng sự lựa chọn, sử dụng của nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả. Đồng thời, hướng đến xây dựng bản đồ dịch tễ học ung thư tại các địa bàn triển khai.

Để làm được những mục tiêu trên, hiện tại, Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương đang tích cực tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế đủ điều kiện được lựa chọn thực hiện Dự án (theo tiêu chí đã được hướng dẫn tại các văn bản của Tổng cục Dân số và của Ban quản lý Đề án 818 Trung ương, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu và Lãnh đạo sở Y tế phê duyệt).

Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2020 sẽ triển khai tại 10 tỉnh/thành phố đã được phê duyệt gồm: Hà Nội, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hưng Yên, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Bình.

Tại các địa phương này, Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương, các chuyên gia của Đề án, các chuyên gia của các công ty tham gia cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ.

Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ triển khai dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Các bước khám sàng lọc ung thư tại cộng đồng trong khuôn khổ Dự án cụ thể như sau:

Bước 1: Tổ chức truyền thông, lập danh sách đăng ký khám sàng lọc

Tổ chức thực hiện: Trạm Y tế xã chủ trì, chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số và y tế thôn bản phối hợp (tổ chức truyền thông cung cấp thông tin; lập danh sách những người đăng ký nhận dịch vụ).

Bước 2: Tổ chức khám sàng lọc tại cơ sở y tế thuộc Đề án 818 và tại cộng đồng

Tổ chức thực hiện: Các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia Đề án (do Sở Y tế lựa chọn và quyết định); các chuyên gia chuyên môn, công ty, đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật (thực hiện tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung theo các gói dịch vụ).

Bước 3: Tư vấn, chuyển tuyến đối với những trường hợp nghi ngờ, điều trị sau khám và xét nghiệm.

Bước 4: Chăm sóc, theo dõi và quản lý khách hàng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!