Amalgam còn được biết đến là 'trám bạc' vì có màu giống như mảnh bạc. Ban đầu, bột Amalgam là một hỗn hợp kim loại chủ yếu là bạc, ngoài ra còn đồng, thiếc và kẽm; sau khi được trộn với thủy ngân (chiếm khoảng 50%) sẽ tạo thành hỗn hống amalgam dẻo dùng để hàn răng.
Tác hại của thủy ngân tới sức khỏe con người đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu. Loại chất này có khả năng tích lũy trong cơ thể, gây độc mãn tính, dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như: Giảm khả năng phòng bệnh, có thể tổn thương một số cơ quan trong cơ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận amalgam là một nguồn tiếp xúc thủy ngân quan trọng ở người trưởng thành. Các nha sĩ và nhân viên phòng khám nha khoa có thể bị phơi nhiễm với hơi thủy ngân thoát ra trong không khí trong quá trình chuẩn bị, pha trộn amalgam trước khi hàn cho bệnh nhân. Việc phơi nhiễm này làm tăng khả năng vô sinh ở các nha sĩ, phụ tá nữ và là một trong những nguyên nhân của các bệnh liên quan đến hệ thần kinh, não bộ, như Alzheimer.
Với bệnh nhân, trong quá trình được hàn amalgam, nếu không được bảo hộ an toàn khoang miệng, một lượng nhỏ hơi thủy ngân có thể đi vào cơ thể. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi hít phải hơi thủy ngân.
Việc dùng amalgam để hàn răng có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường không khí, đất và nước. Hơi thủy ngân trong quá trình tạo ra hỗn hợp amalgam góp phần gây ra ô nhiễm không khí. Ngoài ra, chất thải chứa thủy ngân (bao gồm amalgam), nói chung là rất phức tạp và khó xử lý, dễ gây ô nhiễm môi trường đất và nước nếu không được quản lý đúng quy định (theo Thông tư liên tịch 58/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về Quản lý chất thải Y tế).
Sự lưu chuyển thủy ngân trong môi trường. (Nguồn: Tổ chức Phát triển Môi trường và Xã hội (ESDO, Băng-la-đét)
Công ước Minamata về Thủy ngân là công ước có phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi tác động tiêu cực từ thủy ngân, được Việt Nam tham gia ký kết vào ngày 04 tháng 10 năm 2013 tại Nhật Bản. Trong phụ lục A-II của Công ước, amalgam – hỗn hống nha khoa - thuộc danh mục cần được giảm thiểu.
Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần sử dụng một số loại vật liệu thay thế phổ biến không có thủy ngân như composite, glass ionomer, plastic ionomer ... Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cả nha sĩ và người tiêu dùng để loại bỏ dần amalgam. Các nha sĩ, người tư vấn nha khoa và các chuyên gia trị liệu nha khoa nên tư vấn người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các vật liệu thay thế amalgam không chứa thủy ngân, đặc biệt đối với trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Nhìn chung, thủy ngân gây tác hại cho sức khỏe con người cũng như môi trường. Mặc dù lượng thủy ngân được dùng để trộn amalgam không lớn, nhưng để tránh ảnh hưởng sức khỏe sau này, cũng như bảo vệ môi trường, chúng ta nên thay thế dần dần, tiến tới không sử dụng hỗn hợp amalgam trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Y tế Dự phòng
&PGS.TS Đào Thị Dung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam Cu Ba
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!