Gấc là một loại quả sử dụng làm thực phẩm có ở nhiều nước nhưng chủ yếu ở Việt Nam. Giới khoa học đã công nhận loại quả này xuất phát từ Việt Nam thông qua cách đặt tên tiếng Anh cho cây là Gac.
Cây gấc còn có tên khoa học là Momordica cochinchinensis, là loài cây thân thảo dây leo thuộc chi mướp đắng. Đây là một loại cây đơn tính khác gốc, tức là có cây cái và cây đực riêng biệt.
Gấc không chỉ có giá trị trong việc sử dụng làm thực phẩm mà còn là một loại dược phẩm được đánh giá rất cao. Các hãng dược phẩm ở Mỹ thường gọi đây là thứ quả 'đến từ thiên đường' như một cách để công nhận những giá trị kỳ diệu của nó.
Ở Việt Nam, gấc là loại quả bình dân. Vì vậy, dù biết rằng loại quả này có nhiều dinh dưỡng nhưng gấc vẫn chưa được đánh giá đúng với những giá trị mà nó mang lại.
Có lẽ đã đến lúc không chỉ các hãng dược phẩm mà cả người dân cần biết rõ hơn về những giá trị dinh dưỡng của gấc để sử dụng hiệu quả và không bỏ phí món quà quý của thiên nhiên này.
Gấc không chỉ có giá trị trong việc sử dụng làm thực phẩm mà còn là một loại dược phẩm được đánh giá rất cao (Ảnh minh họa: Internet)
1. Quả gấc - quà quý đến từ thiên đường
Dù loại quả này có mặt ở nước ta từ rất lâu, nhưng có lẽ vì gấc quá quen thuộc và bình dân nên ít ai nghĩ đến lợi ích mà quả gấc có thể đem lại. Ngay trong giới nghiên cứu, phải đến tận năm 1941, các nhà khoa học mới bước đầu chú ý đến quả gấc.
10 năm sau đó, người ta đã xác định được trong gấc có một thành phần rất có giá trị đó là lycopen - một chất chống lão hóa mạnh nhất hiện nay. Hàm lượng lycopen trong gấc được xác định gấp 70 lần cà chua.
Ngoài ra, thành phần quý ở trong gấc là beta-caroten cao gấp 2 lần cà rốt. Khi vào cơ thể có thể biến thành vitamin A có khả năng tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cơ thể, chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào, có tác dụng dưỡng da...
Dưới đây là những tác dụng 'kỳ diệu' của quả gấc. Nói là kỳ diệu bởi hiếm thấy loại quả nào lại có nhiều công dụng quý như loại quả bình dân này.
- Tác dụng phòng chống ung thư:
Những nghiên cứu dịch tễ học của Mỹ về tác dụng của lycopen cho thấy, ở vùng người dân ăn nhiều trái cây có chứa lycopen thì tỷ lệ ung thư dạ dày, trực tràng, kết tràng... thấp hơn vùng ăn ít hơn hoặc không ăn. Tỷ lệ người chết vì ung thư cũng giảm 50%.
Một nghiên cứu khác cho thấy tác dụng của lycopen làm giảm nguy cơ ung thư tuyền tiền liệt lên tới 35%. Bên cạnh đó, lycopen còn có tác dụng trong điều trị bệnh xơ gan, viêm gan, hạ huyết áp, rối loạn mỡ máu, chống khô mắt, mờ mắt...
Trong khi đó, quả gấc lại chứa một hàm lượng chất lycopen cực cao, gấp 70 lần trong cà chua. Chính vì thế, gấc có tác dụng rất lớn trong việc phòng chống bệnh ung thư.
Hơn nữa, trong gấc còn chứa nhiều loại chất khác như vitamin E, beta-caroten làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
- Tác dụng đối với hệ tim mạch:
Trong dầu gấc có chứa nhiều chất có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch, từ đó chống lại được căn bệnh tai biến mạch máu não
- Tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể:
Trong quả gấc có chứa hàm lượng beta-caroten nhiều gấp 2 lần trong cà rốt. Beta-caroten có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch. Khi vào đến cơ thể, beta-caroten sẽ chuyển hóa thành vitamin A.
Bên cạnh đó, gấc còn chứa một hoạt chất hiếm gặp đó là curcumin - một chất có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư trong thực phẩm, đồng thời nâng cao sức đề kháng và thể lực cho con người.
2. Hạt gấc - vị thuốc quý ngang mật gấu
Trong Đông y, hạt gấc được coi là một vị thuốc có tên mộc miết tử (con ba ba gỗ) vì nó dẹt, hình gần như tròn, vỏ cứng, trông bề ngoài tựa như một con ba ba nhỏ.
Hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào 2 kinh can và đại tràng. Tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng.
Hạt gấc cũng là vị thuốc khá phổ biến trong nhân dân. Nhiều người khi dùng thịt gấc để ăn thường nhặt lại hạt sống hoặc hạt đã đồ chín ngâm rượu hoặc tích trữ trong nhà, khi cần dùng đến đem ra mài với rượu hoặc mài với giấm thanh để sử dụng.
Mặc dù có bài thuốc sử dụng hạt gấc để uống (chế 1 nhân đã nướng chín với rượu) nhưng để an toàn, loại thuốc này chủ yếu để bôi ngoài, khi bôi ngoài thì không kể liều lượng.
Trong Đông y, hạt gấc được coi là một vị thuốc có tên mộc miết tử (Ảnh minh họa: Internet)
Những bài thuốc sử dụng hạt gấc
- Chữa sưng vú:Giã nát hạt gấc trộn với rượu đắp lên chỗ sưng sẽ rất nhanh khỏi, ngày thay thuốc 1 lần.
- Chữa lòi dom (bệnh trĩ): Giã nát hạt gấc, thêm 1 ít giấm thanh, gói lại đắp vào hậu môn để suốt đêm, mỗi đêm thay thuốc 1 lần.
- Chữa sang chấn đụng giập trong những trường hợp bị ngã, bị thương, tụ máu: Đây là công dụng đặc biệt của hạt gấc khiến cho nó được ví sánh ngang với mật gấu.
Theo kinh nghiệm dân gian, dùng hạt gấc đốt cháy vỏ ngoài thành than (nhân bên trong chỉ vàng chưa cháy), cho vào cối giã nhỏ, cứ 30 - 40 hạt thì cho 400 - 500ml rượu trắng dùng dần.
Dùng rượu này bôi vào những chỗ sang chấn tốt gần như mật gấu, cho kết quả rất đáng ngạc nhiên. Nhiều đề tài khoa học cũng đã chứng minh tác dụng chống viêm giảm đau của hạt gấc là cực kỳ hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!