Ăn muối i-ốt hàng ngày tránh được nhiều bệnh nguy hiểm

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Các chuyên gia khuyến cáo, bảo đảm muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt để tránh tình trạng thiếu hụt i-ốt.

Tại hội thảo tư vấn liên ngành về tái thiết lập, củng cố Chương trình Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt và triển khai quy định về muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, i-ốt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động của tuyến giáp, sự tăng trưởng và phát triển. Thiếu i-ốt là một vấn đề y tế công cộng đối với mọi người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, là một mối đe dọa cho sự phát triển xã hội và kinh tế của quốc gia.

Ghi nhận gánh nặng của các tình trạng do thiếu hụt i-ốt tại Việt Nam năm 1993: 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 – 12 tuổi là 22,4%. Từ năm 1994, Chương trình Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được thiết lập và triển khai. Sau 10 năm, Việt Nam đã là một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng các rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Nước ta đã có chính sách, luật pháp về muối ăn, muối sử dụng trong thực phẩm đều phải được trộn i-ốt; với các chiến lược vận động toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt.

Ăn muối i-ốt hàng ngày tránh được nhiều bệnh nguy hiểm

Muối i-ốt nên được dùng trong chế biến thực phẩm. Ảnh minh họa.

Sau đó, cùng với sự thay đổi về luật pháp, dẫn đến tình trạng trên thị trường tồn tại dạng muối thường và gia vị mặn thường là muối và gia vị mặn không trộn i-ốt, dẫn đến tình trạng báo động về thiếu hụt i-ốt lại quay trở lại Việt Nam. Theo kết quả điều tra trẻ em 8-10 tuổi toàn quốc năm 2014, tỷ lệ bướu cổ là 9,8%.

Đứng trước tình hình thực tiễn về tình trạng thiếu hụt i-ốt, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã rà soát, đánh giá thực thi các chính sách luật pháp liên quan đến vấn đề này và đã đề xuất giải pháp bền vững về chính sách, luật pháp để bảo đảm muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt thông qua ban hành Nghị định 09 bởi Chính phủ.

Bộ Y tế cho biết, bên cạnh việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về KIO3 và muối i-ốt, cần phải quy hoạch, phát triển có trọng tâm trọng điểm những nhà cung cấp muối KIO3, nhà máy muối đảm bảo chất lượng trong giai đoạn trước mắt để tăng cường đáp ứng đủ KIO3 và muối i-ốt. Thiết lập hệ thống giám sát liên tục và hiệu quả, bao gồm giám sát về mức độ bao phủ muối i ốt từ nhà máy tới hộ gia đình; tác động của muối i-ốt tới sức khoẻ con người…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!