Sứa biển là loài động vật không xương sống, thường sống ở biển hay những nơi có nước mặn. Đây vốn là hải sản chứa nhiều độc tố, khi con người vô tình chạm phải sẽ bị dị ứng. Khi xâm nhập vào cơ thể người, độc tố của sứa biển có thể gây đau đầu, đau bụng, mày đay toàn thân, chảy nước mắt, vã mồ hôi hoặc hôn mê khó thở...
Đặc biệt, khi ăn sứa không chế biến đảm bảo, độc tố đi vào cơ thể, nhẹ thì gây dị ứng da, nặng hơn dễ dẫn tới tức ngực, buồn nôn, khó thở, ngộ độc nặng. Mùa sinh sản của sứa kéo dài từ sau Tết Nguyên đán cho đến hè. Nhất là trong mùa hè, sứa biển được người dân ở nhiều nơi sử dụng khá phổ biến để chế biến một số món ăn như nộm sứa, gỏi, lẩu, bún sứa, canh sứa...
Mùa hè cũng chính là thời điểm con người dễ bị ngộ độc sứa nhất. Do vậy, để tránh bị ngộ độc khi ăn sứa, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người sử dụng cần lưu ý một số điều cơ bản như sau:
Khi ăn sứa không chế biến đảm bảo, độc tố đi vào cơ thể, nhẹ thì gây dị ứng da, nặng hơn dễ dẫn tới tức ngực (Ảnh minh họa: Internet)
Cách ăn sứa biển để không bị ngộ độc
Theo các chuyên gia y tế, để đảm bảo sức khỏe và phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển gây nên, người dân tuyệt đối không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) để làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, nộm… Điều này giúp phòng tránh các độc tố trong sứa có điều kiện xâm nhập vào cơ thể, gây hại đến sức khỏe.
Đặc biệt, người lớn không được sử dụng sứa, kể cả sứa đã qua chế biến, làm thức ăn cho trẻ em. Đây là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm, sức đề kháng còn kém, nếu ăn sứa rất dễ bị dị ứng hoặc ngộ độc.
Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý điều này khi đưa cả gia đình đi du lịch nghỉ mát ở biển hoặc trong những bữa ăn thường ngày.
Bên cạnh đó, những người tỳ vị hư hàn, bị dị ứng với hải sản, người mới ốm dậy, bị suy nhược cơ thể, người đã từng bị ngộ độc thực phẩm trong quá khứ thì cũng không nên dùng sứa biển, kể cả đã được chế biến cẩn thận và nấu chín.
Bạn lưu ý là chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách, tuyệt đối không tự ý mua sứa biển không rõ nguồn gốc, những sản phẩm sứa đóng gói không có nhãn mác đầy đủ… Rất có thể những sứa biển này vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn độc tố, chất lượng kém, không tốt cho cơ thể.
Để đảm bảo sức khỏe và phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển gây nên, người dân tuyệt đối không sử dụng sứa biển tươi (Ảnh minh họa: Internet)
Chế biến sứa biển đúng cách, an toàn
Để tránh bị ngộ độc khi ăn sứa biển, khâu quan trọng nhất đó là cách sơ chế và chế biến đúng đắn. Bạn lưu ý là sứa biển cần phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn chua. Khi thịt sứa đã chuyển sang màu vàng nhạt hoặc đỏ nhạt thì mới đem đi chế biến làm thức ăn.
Ngoài ra, khi bạn ăn sứa đã được ép khô, loại này thường được bán nhiều trong các cửa hàng hay siêu thị, tốt hơn hết bạn cũng nên rửa thật sạch trước khi chế biến. Cách làm này có thể giúp hạn chế những hóa chất được dùng trong quá trình sơ chế sứa, tốt cho sức khỏe hơn. Tuyệt đối không ăn gỏi hay nộm sứa, sứa chỉ nên ăn khi đã được chế biến kĩ và nấu chín.
HN
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!