Nghiên cứu của Đại học University of Colorado Boulder, Hoa Kỳ được đăng tải trên tạp chí Journal of Pediatrics đối với các trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi cho thấy, thời gian xem các thiết bị điện tử càng nhiều thì càng ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của giấc ngủ như ngủ muộn, ngủ ít và hay tỉnh giấc.
Ở trẻ em và thanh thiếu niên, các chức năng thị giác chưa phát triển đầy đủ nên nhạy cảm với của ánh sáng hơn so với người lớn. Vào buổi tối khi ánh sáng chiếu vào võng mạc sẽ làm ức chế hormon gây buồn ngủ (melatonin) gây trì hoãn sự buồn ngủ và thay đổi nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể.
Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên có sự nhạy cảm gấp đôi so với người lớn khi tiếp xúc với cùng một lượng và cường độ ánh sáng. Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn phổ biến ở các thiết bị điện tử cầm tay có khả năng ức chế hormon gây buồn ngủ (melatonin). Phơi nhiễm với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ.
Bên cạnh đó, sử dụng thiết bị điện tử để nhắn tin, xem các phim, hình ảnh có yếu tố bạo lực cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ do kích thích mức độ hoạt động nhận thức của não bộ.
PGS. LeBourgeois đưa ra các khuyến cáo cho phụ huynh như sau:
Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ.
Tắt tất cả các thiết bị truyền thông điện tử (kể cả các thiết bị điện tử của cha mẹ) trước khi đi ngủ và để bên ngoài phòng ngủ.
Không để Ti vi, trò chơi điện tử, máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại… trong phòng ngủ của trẻ.
BS. Phan Hưng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!