Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention, việc mặc áo ngực không làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.
Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, tin đồn áo ngực gây ung thư vú bắt nguồn từ một cuốn sách được phát hành vào năm 1995, có tựa đề Dressed To Kill của Sydney Ross Singer và Soma Grismaijer. Trong đó, tác giả nhận định rằng phụ nữ mặc áo ngực trong 12 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ ung thư vú cao hơn nhiều so với những phụ nữ không mặc áo ngực. Họ cho rằng bằng cách hạn chế hệ thống bạch huyết, áo ngực tích tụ độc tố trong vú và dẫn đến ung thư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các tổ chức của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã lên tiếng phản bác luận điểm này. Họ khẳng định không có bất cứ bằng chứng xác thực nào để chứng minh thông tin của cuốn sách Dressed To Kill là chính xác.
Ảnh minh họa
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 454 phụ nữ bị ung thư biểu mô tuyến xâm lấn và 590 phụ nữ bị ung thư biểu mô thùy xâm lấn. Đây là 2 loại ung thư vú phổ biến nhất. Các bệnh nhân đều trong độ tuổi 55 đến 74.
Những người tham gia đều được hỏi loạt câu hỏi bao gồm:
- Bắt đầu mặc áo ngực từ năm bao nhiêu tuổi?
- Có mặc áo ngực loại có gọng không?
- Kích thước của chúng là bao nhiêu?
- Số giờ mỗi ngày và tổng cộng thời gian mặc áo ngực mỗi tuần?
- Có thay đổi mẫu mã, chất liệu áo ngực trong những khoảng thời gian khác nhau hay không?
Ngoài ra, thông tin về gia đình và tiền sử sinh đẻ của người tham gia cũng được đưa vào nghiên cứu để phân tích kết quả.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng việc mặc áo ngực không làm tăng nguy cơ ở hai phân nhóm ung thư vú được nghiên cứu.
Tương tự, nguy cơ cũng không liên quan đến việc mặc áo ngực mấy giờ mỗi ngày, áo ngực có gọng hay không, hoặc độ tuổi họ bắt đầu mặc áo ngực.
Một thành viên nhóm nghiên cứu nói: ‘Đã có nhiều đồn đoán trên truyền thông rằng mặc áo ngực có thể là một yếu tố nguy cơ đối với ung thư vú. Một số giả thiết rằng áo ngực làm cản trở khả năng lưu thông, bài tiết mồ hôi và chất thải. Đó là quan điểm thiếu bằng chứng về khoa học. Vậy nên kết quả phản bác của chúng tôi cũng không có gì đáng ngạc nhiên’.
Trước đó, một nghiên cứu trong vòng 15 năm của Đại học Besançon (Pháp) được đăng trên tạp chí Medical News Today năm 2013 cho biết mặc áo ngực có hại nhiều hơn có lợi.
Duy Vũ (Theo medicalnewstoday)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!