Khi trẻ gặp nạn, do mất bình tĩnh, cha mẹ hoặc người thân thường mắc sai lầm trong việc sơ cứu khiến vết thương có thể nặng hơn, khả năng phục hồi kém hơn, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Những sai lầm đó là gì?
Sai lầm sơ cứu khi trẻ bị kẹt tay vào cánh cửa
Bé Tiểu Vân 9 tuổi ở Trung Quốc bị kẹt ngón tay vào cửa và chảy máu không dứt. Để cầm máu cho cháu, bà nội Tiểu Vân dùng ớt bột rắc vào ngón tay của bé.
Vài ngày sau, Tiểu Vân bị sốt cao, ngón tay sưng đau. Gia đình đưa Tiểu Vân đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết ngón tay của bé bị nhiễm trùng, phải cắt ngón tay để cứu tính mạng.
Ngón tay của bé sau khi được các bác sĩ cấp cứu. Ảnh minh họa. Nguồn: ttvn.vn.
Bác sĩ cho biết: Nếu trẻ bị kẹp ngón tay vào cánh cửa, bị dập ngón tay dẫn tới chảy máu, điều đầu tiên bố mẹ nên làm là phủ miếng vải gạc hoặc khăn sạch lên vết thương, ấn nhẹ để giúp cầm máu. Tiếp theo nâng tay bé đặt cao hơn vị trí của tim để giúp giảm tình trạng chảy máu của vết thương.
Sau đó hãy đưa bé tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được kiểm tra kỹ hơn.
Sai lầm sơ cứu khi trẻ bị bỏng
Bé Nguyễn Lam A. 2 tuổi ở Đống Đa (Hà Nội) bị bỏng ở bàn tay và các kẽ ngón tay do với tay vào bát mì tôm nóng gây bỏng nặng.
Bà nội của Lam A. lấy kem đánh răng và lòng trắng trứng bôi cho cháu rồi gọi điện thoại cho bố mẹ bé về đưa con đi cấp cứu.
Cách sơ cứu sai lầm của bà nội khiến bàn tay bé Lam A. bị nhiễm trùng. Sau khi đưa đến bệnh viện, các bác sĩ đã phải phẫu thuật ghép da cho bé.
Bạn nên dùng nước mát, sạch để làm giảm nhiệt độ vết bỏng. Ảnh minh họa. Nguồn: suckhoedoisong.vn.
Bác sĩ - Thạc sĩ Ngô Anh Vinh - Khoa cấp cứu và chống độc - Bệnh viên Nhi trung ương cho biết bỏng nước sôi ở trẻ em là thể loại bỏng nặng nhất và xảy ra nhanh nhất với tổn thương đa dạng nhất.
Khi trẻ bị bỏng, cần đưa vết bỏng dưới vòi nước sạch hoặc chậu nước lạnh sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm phù nề, giảm đau, giảm độ sâu của vết thương và hạn chế tổn thương của vết bỏng lan rộng.
Sau đó đưa trẻ tới cơ sở chuyên khoa về bỏng để kịp thời điều trị, hạn chế biến chứng.
Trong khi sơ cứu, tuyệt đối không được dùng nước đá làm mát, kem đánh răng, lòng trắng trứng, nước mắm vì sẽ gây tổn thương da, nặng hơn sẽ nhiễm trùng.
Chủ quan khi trẻ hóc dị vật
Bé Thành Đạt con chị Thúy Nguyễn ở Nghệ An bị hóc mảnh vụn giấy ăn. Ban đầu bé ho nhiều nhưng chị Thúy nghĩ con bị cảm cúm thông thường. Tới đêm, bé Thành Đạt ho và khó thở rõ ràng.
Trưa ngày hôm sau, thấy con tím tái, thở rít, gia đình đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Bác sĩ – Tiến sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Bé Thành Đạt là một trong những trường hợp hy hữu. Qua kiểm tra và khai thác từ gia đình đã xác định được cháu bị chèn mẩu giấy nên các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, cứu sống tính mạng cho bé.
Những mẩu giấy vụn được gắp ra từ phổi của bé trai. Ảnh minh họa. Nguồn: ttvn.vn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo các gia đình không nên để giấy gần trẻ vì các bé có thể lấy và cho vào miệng nuốt gây ra hóc dị vật.
Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh để xác định tình trạng của trẻ.
Nếu trẻ có biểu hiện khó thở, tím tái thì cần xử lý bằng thủ thuật vỗ lưng ấn ngực nhiều lần cho đến khi trẻ hồng hào trở lại.
Nếu tình hình của trẻ vẫn chưa ổn, hãy sử dụng phương pháp thổi ngạt, cấp cứu ngưng thở, ngưng tim.
Nhanh chóng đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lí kịp thời tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Trần Huyền (Tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!