Và tất nhiên khi những áp lực này vượt qua khả năng chịu đựng của trẻ, hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của các em. Một số trường hợp đây còn là nguyên nhân khiến trẻ tự tử.
Áp lực từ phía bố mẹ, thầy cô giáo
Kỳ vọng ở con cái là điều thường thấy và dễ hiểu ở các bậc làm cha mẹ. Nhưng nếu như trẻ không thực hiện được điều mà bố mẹ mong muốn thì sẽ bị trách mắng, thậm chí nhiều phụ huynh còn có hình phạt nặng với trẻ.
Cứ như vậy, vô hình chung bố mẹ đã tạo nên gánh nặng rất lớn trên đôi vai non nớt của trẻ. Đó cũng là lý do vì sao mà thực tế lại có những trường hợp trẻ chống đối bố mẹ, phá phách, nổi loạn, bỏ nhà, dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội, thậm chí tìm đến cái chết.
Học hành, thi cử nhiều khi trở thành nỗi ác mộng của trẻ
Tâm lý sợ thầy cô giáo, sợ tới trường
Trẻ trong độ tuổi đi học, đặc biệt là trẻ ở bậc tiểu học luôn có tâm lý sợ giáo viên do không thể đáp ứng được các yêu cầu của thầy cô giáo. Sự nghiêm khắc rất cần thiết đối với các em trong môi trường nhà trường nhưng nếu thầy cô giáo thiếu sự thân thiện sẽ làm cho trẻ cảm thấy lo lắng, ngại phát biểu và dần trở nên thụ động. Về lâu dài các em sẽ tự cô lập và có tâm lý xa lánh thầy cô.
Áp lực làm học sinh giỏi
Học sinh giỏi luôn là mục tiêu mà trẻ phải hướng tới và đạt được. Để kỳ sau hay năm học sau cũng đạt được thành tích như vậy, trẻ phải phấn đấu hơn nữa. Điều này khiến cho trẻ phải học nhiều hơn, trên lớp, về nhà rồi đi học thêm cả ngày thứ bảy và chủ nhật.
Chính vì các em là học sinh giỏi nên khi phải đối mặt với những khó khăn như bị điểm kém hay lỡ không đạt được danh hiệu này thì dễ dàng sinh ra tâm lý chán chường và thất bại.
Sự kỳ vọng quá nhiều của bố mẹ khiến trẻ mệt mỏi
Áp lực phải làm tấm gương học tập tốt, đạt thành tích cao, xếp thứ hạng đầu
Các bố mẹ thường đòi hỏi con mình phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp, nhưng bố mẹ đâu biết rằng những đòi hỏi quá cao đó đồng nghĩa bạn đã tạo cho trẻ một áp lực quá lớn. Không chỉ học ở trường, trẻ còn phải học thêm nhiều kiến thức nâng cao khác ở ngoài, rồi khi về nhà là hàng tá bài tập đang chờ trẻ giải quyết và trẻ hầu như không có thời gian vui chơi và nghỉ ngơi.
Áp lực phải thi trường chuyên, lớp chọn
Hiện nay, trẻ phải học ngày học đêm với hy vọng đỗ vào trường điểm, trường chuyên có tiếng. Tuy nhiên, khi trẻ thi trượt, từ hy vọng thành thất vọng, bị cha mẹ than phiền, trẻ cũng tự mình cảm thấy chán nản, mất công học mà không thu được kết quả mong muốn.
Trẻ gục trên bàn học không hẳn do mệt mỏi mà do quá chán chường
Những cảm xúc như vậy dễ dẫn đến hành vi tiêu cực. Thật đau xót khi có những em vì không đỗ vào những trường chuyên, lớp chọn như kỳ vọng mà đã dại dột tìm đến cái chết. Sau mỗi mùa thi nhiều em nhỏ đã phải vào bệnh viện để được điều trị vì bị tâm thần do việc học hành và thi cử căng thẳng.
Áp lực phải đi đỗ đại học
Càng lớn thì áp lực của kỳ thi vào đại học càng khủng khiếp hơn. Đặc biệt đối với học sinh cuối cấp trung học phổ thông. Việc đặt mục tiêu cho con cái phải thi đỗ đại học là điều rất bình thường ở các gia đình Việt, dần dần sẽ hình thành tâm lý chung rằng ai vào được đại học mới là người chiến thắng, còn lại chỉ là những kẻ thất bại, điều này khiến bố mẹ càng kỳ vọng và gây sức ép cho con cái. Áp lực chồng chất áp lực làm cho các em dễ rơi vào trạng thái u uất, muốn tìm một phương án để được giải thoát.
>> Đón đọc Kỳ 9: Trẻ tự tử vì ảnh hưởng tiêu cực từ gia đình
>> Kỳ 1:Tự tử học đường: Vì đâu nên nỗi?
>> Kỳ 2:Giật mình những con số báo động về tự tử học đường
>> Kỳ 3:Tự tử học đường: Đâu chỉ có học sinh
>> Kỳ 4:Những đối tượng dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực
>> Kỳ 5: Tự tử học đường: Đằng sau những lá thư tuyệt mệnh
>> Kỳ 6:Những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ tự tử học đường
>> Kỳ 7: Công nghệ số: Thủ phạm tạo nên thế hệ tiêu cực
Xem thêm chuyên đề: Tự tử học đường
Ảnh minh họa: Internet
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!