Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không?

Chăm sóc mẹ bầu - 11/24/2024

Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không là thắc mắc phổ biến. Bình thường, điều này có thể hiệu quả nhưng với bà bầu, đây không phải là cách điều trị tốt.

Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không là thắc mắc chung của rất nhiều người. Thực tế, với người bình thường, cách điều trị này có thể hiệu quả nhưng với bà bầu, đây có thể không phải là cách điều trị tốt.

Theo thống kê, có đến 50% bà bầu bị táo bón trong thai kỳ. Táo bón là vấn đề khá phổ biến, mặc dù không gây nguy hiểm nhưng tình trạng này lại khiến bà bầu cảm thấy khó chịu. Đa phần, nhiều bà bầu được khuyên nên sử dụng thuốc thụt bởi phương pháp này sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng. Thế nhưng, phương pháp này có thật sự an toàn với bà bầu? Nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề này, hãy xem tiếp những chia sẻ sau của Hello Bacsi để có lời giải đáp nhé.

Táo bón – Nỗi ám ảnh thường trực của bà bầu

Táo bón là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân chính khiến bà bầu hay bị táo bón là do sự rối loạn nội tiết tố trong thai kỳ. Ngoài nguyên nhân này, bà bầu bị táo bón còn có thể là do:

  • Sử dụng thuốc bổ sung sắt
  • Bà bầu ít vận động
  • Quá trình phát triển của thai nhi làm tăng áp lực lên khung xương chậu.

Để điều trị táo bón, đa phần bà bầu sẽ nghĩ đến việc sử dụng thuốc thụt để kích thích việc đi đại tiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bà bầu cần phải hết sức cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc này.

Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không?

Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không?

Thuốc thụt hậu môn là một loại thuốc nhuận tràng được điều chế dưới dạng gel hoặc dung dịch. Thuốc được đựng sẵn trong một tuýp nhựa hoặc chai có gắn sẵn đầu chuyên dụng để dễ dàng bơm thuốc đi sâu vào trong trực tràng, mục đích nhằm bôi trơn ống hậu môn và kích thích đại tràng co thắt để đẩy phân ra ngoài một cách dễ dàng.

Sử dụng thuốc thụt được xem là biện pháp điều trị táo bón khá hiệu quả. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai thì đây không phải là lựa chọn tốt, đặc biệt là khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Bởi trong các loại thuốc này có thể chứa một số hóa chất gây hại cho thai nhi.

Ngoài ra, thụt hậu môn cũng thường không được khuyến khích trong ba tháng đầu và ba tháng cuối bởi trong 3 tháng đầu, thụt hậu môn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai còn trong 3 tháng cuối, việc làm này có thể gây ra các cơn co thắt, dẫn đến chuyển dạ sớm. Tuy nhiên, nếu được sự đồng ý của bác sĩ thì bạn vẫn có thể sử dụng.

Các loại thuốc thụt thường được bác sĩ chỉ định cho bà bầu

Sử dụng thuốc thụt khi mang thai thường không an toàn. Tuy nhiên, nếu cần, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng một số cách thụt hậu môn sau:

  • Dầu khoáng: Giúp ruột hấp thu nước từ từ, từ đó làm phân mềm và dễ thải ra ngoài.
  • Thuốc thụt cà phê: Đây là cách để giải độc gan và làm sạch ruột. Tuy nhiên, vì caffeine là một chất kích thích nên khi sử dụng, phụ nữ mang thai cần xin lời khuyên của bác sĩ.
  • Thuốc thụt Microlax: Loại thuốc này có tác dụng khá nhanh, khoảng 30 phút sau khi sử dụng.
  • Thuốc thụt lợi khuẩn: Loại thuốc thụt này có tác dụng cân bằng vi khuẩn xấu và vi khuẩn tốt, giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng cho bà bầu.
  • Thuốc thụt Natri Phosphate: Đây là loại thuốc thụt khá phổ biến với tác dụng chính là làm tăng chất lỏng trong ruột non.

Cách khắc phục các triệu chứng táo bón dành cho bà bầu

Bà bầu bị táo bón có dùng được thuốc thụt không?

Ngoài thuốc thụt, bà bầu còn có thể điều trị chứng táo bón thông qua việc:

  • Ăn nhiều sữa chua: sữa chua rất giàu lợi khuẩn, giúp loại bỏ các vi khuẩn xấu ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, lượng canxi trong sữa chua còn giúp ngăn cản sự phát triển của các tế bào vi khuẩn ở niêm mạc đại tràng.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Bà bầu nên thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu, rau và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn để giúp đường ruột khỏe mạnh.
  • Uống đủ nước: Uống từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày để giúp loại bỏ các độc tố và giữ ẩm cho cơ thể.
  • Tập thể dục: Đi bộ và tập yoga thường xuyên là cách đơn giản để giúp bà bầu giảm nguy cơ bị táo bón.
  • Thuốc không kê đơn: Cố gắng không dùng thuốc thụt khi mang thai. Nếu các biện pháp điều trị không hữu ích, bạn có thể dùng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng.
  • Ngừng uống thuốc sắt hoặc giảm liều lượng: Hãy thử bổ sung sắt cho cơ thể thông qua chế độ ăn thay vì uống thuốc. Nếu bạn vẫn cần uống, chỉ uống theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị táo bón.
  • Bấm huyệt: Đây cũng là cách giúp điều trị táo bón khá tốt thay vì sử dụng thuốc.

Bà bầu có cần thụt hậu môn trước khi sinh con không?

Có cần thụt hậu môn trước khi sinh không là trăn trở của rất nhiều bà bầu. Theo các chuyên gia, việc thụt hậu môn trước khi sinh sẽ giúp giảm nguy cơ bà bầu đi đại tiện trong quá trình sinh nở, từ đó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và bé. Không những vậy, việc thụt hậu môn còn giúp giảm thời gian chuyển dạ, giúp mẹ bầu bớt đau đớn.

Thông thường, khi nhập viện để sinh nở, các bác sĩ sẽ hỏi lần gần nhất bạn đi đại tiện là khi nào, lượng phân đi được nhiều hay ít. Nếu đã lâu bạn chưa đi đại tiện hoặc đi đại tiện khó khăn, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thụt hậu môn để đảm bảo vệ sinh cho quá trình sinh đẻ. Nếu bạn mới đi đại tiện thì việc làm này là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, bạn nên chủ động thụt phân ngay từ lúc ở nhà khi có dấu hiệu đau đẻ vì không phải bệnh viện nào cũng thụt rửa cho bạn và có thể lúc lên cơn đau, bạn sẽ quên mất việc này.

Khi nào bạn nên đi khám?

Táo bón khi mang thai có thể khiến bạn khó chịu, thậm chí tình trạng này còn có thể gây chảy máu trực tràng. Việc sử dụng thuốc thụt để khắc phục chỉ nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ bởi việc sử dụng thuốc thụt không đúng trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến sẩy thai, còn trong 3 tháng cuối thì có thể dẫn đến chuyển dạ sớm. Tuy nhiên, việc thụt hậu môn trước khi sinh là điều cần thiết vì điều này có thể giúp tăng tốc độ chuyển dạ và giảm nguy cơ bé bị nhiễm trùng.

Thuốc thụt có thể hiệu quả với người này nhưng có thể không hiệu quả với người khác, điều này phụ thuộc vào sức khỏe của từng người. Dù có nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều nhược điểm, do đó nếu bạn không tùy tiện thụt hậu môn trước khi sinh, bạn có thể đề cập vấn đề này với bác sĩ.

Sử dụng thuốc thụt được xem là biện pháp hữu hiệu cho những người bị táo bón. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai thì nên hạn chế dùng loại thuốc này, đặc biệt là khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Để phòng tránh táo bón, bà bầu cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp giữ ẩm mà còn đảm bảo cung cấp đầy dinh dưỡng cho cơ thể.

Ngân Phạm/ HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Một phụ nữ Bangladesh sinh con 2 lần trong 1 tháng
  • Tìm hiểu hiện tượng bà bầu ra khí hư màu xanh
  • 7 câu hỏi thường gặp về thai 6 tuần chưa có tim thai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!