Bà bầu mắc sởi nguy hiểm như thế nào?

Chăm sóc mẹ bầu - 04/25/2024

Tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM, bà bầu mắc sởi liên tục nhập viện. Nhiều người không rõ các tác hại của bệnh sởi nên không tiêm phòng. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng sởi bùng phát.

Tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. HCM, bà bầu mắc sởi liên tục nhập viện khiến bệnh viện phải dành riêng một phòng để cách ly và điều trị cho các bệnh nhân. Nhiều người không rõ các tác hại của bệnh sởi nên không tiêm phòng. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng sởi bùng phát và đã có nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi nặng.

Bệnh sởi rất dễ lây lan do virus paramyxovirus gây ra và phổ biến ở trẻ nhỏ hơn người lớn. Thế nhưng, gần đây, căn bệnh này đã mang đến một số lo ngại cho phụ nữ mang thai vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về việc bà bầu mắc sởi để có cách xử lý đúng đắn khi rơi vào tình huống này nhé.

Bệnh sởi phổ biến thế nào?

Bệnh sởi trở nên hiếm gặp vì đa số mọi người đều được tiêm vắc xin MMR (sởi, quai bị, rubella). Tuy nhiên, những tháng gần đây, số lượng bệnh nhân bị sởi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tăng đột biến. Tháng 10/2018, khoa chỉ tiếp nhận 76 ca mắc sởi. Đến tháng 11 tăng lên 120 ca, tháng 12 là 269 ca. Từ đầu năm 2019, mỗi ngày có khoảng 70 trường hợp mắc sởi điều trị nội trú.

Ai là người có nguy cơ cao?

Những trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, trẻ có chế độ ăn ít dinh dưỡng và trẻ có hệ miễn dịch yếu (như trẻ bị bệnh bạch cầu) có nguy cơ mắc bệnh cao. Còn hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đã mắc bệnh hoặc đã được chủng ngừa phòng sởi khi còn nhỏ, ngay cả khi bạn không được miễn dịch với bệnh nguy cơ mắc sởi cũng rất thấp. Đa số mọi người đều có khả năng miễn dịch và ít mắc bệnh ngay từ đầu.

Tuy nhiên, bệnh sởi rất dễ lây lan. Một người có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu chưa được tiêm vắc xin và không được miễn dịch, bạn cũng không thể tiêm vắc xin trong khi mang thai vì vắc xin có chứa virus sống, có thể gây nguy hiểm cho thai phụ.

Các triệu chứng của bệnh sởi như thế nào?

Bà bầu mắc sởi nguy hiểm như thế nào?

Thông thường, bệnh sởi bắt đầu bằng sốt, sổ mũi, ho và mắt đỏ. Sau 3 – 5 ngày, phát ban đỏ từ đầu xuống chân. Sau 2 – 3 ngày có các triệu chứng, những đốm trắng xuất hiện bên trong miệng. Phát ban và các triệu chứng thường rõ ràng trong vòng 1 – 2 tuần.

Bà bầu mắc sởi có nguy cơ gì?

Nếu bà bầu mắc sởi, bệnh dường như không gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Thế nhưng, bạn có nguy cơ sẩy thai, sinh non (trước 37 tuần) hoặc em bé sinh nhẹ cân.

Bạn có thể làm gì?

Nếu không chắc hay không nhớ rõ mình đã bị sởi hay đã được tiêm vắc xin phòng bệnh chưa, bạn hãy làm xét nghiệm máu, tốt nhất là trước khi cố gắng thụ thai. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo bạn nên tiêm vắc xin sởi ít nhất một tháng trước khi mang thai. Nếu không được miễn dịch và tiếp xúc với virus khi đang mang thai, bạn nên đến gặp bác sĩ để tiêm globulin miễn dịch nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh sởi.

Khi nào cần đến bệnh viện ngay lập tức?

Gọi cứu thương hoặc đến bệnh viện ngay khi bạn có các triệu chứng như:

  • Khó thở
  • Đau ngực dữ dội và cảm thấy tồi tệ hơn mỗi khi thở
  • Ho ra máu
  • Nhầm lẫn
  • Co giật

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn nghiêm trọng, cần phải nhập viện và điều trị bằng kháng sinh.

Một số lời khuyên dành cho mẹ bầu hoặc phụ nữ chuẩn bị mang thai

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên sau đây:

  • Phụ nữ đang chuẩn bị mang thai nên cân nhắc đến việc tiêm 2 mũi vắc xin sởi nếu chưa tiêm mũi nào trước đây. Mũi tiêm nhắc sẽ phụ thuộc vào thời điểm bạn tiêm vắc xin đầu tiên.
  • Đối với phụ nữ mang thai, hoàn toàn không nên tiêm vắc xin MMR, chỉ tiêm mũi này sau sinh. Việc cho con bú sau khi tiêm vắc xin MMR là an toàn.
  • Nếu đang mang thai và không có miễn dịch với bệnh sởi hoặc không chắc chắn về tình trạng miễn dịch của mình, bạn nên thận trọng khi tiếp xúc với đám đông, đặc biệt là nơi có khách du lịch quốc tế như công viên giải trí, bảo tàng và sân bay. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với trẻ chưa được tiêm chủng.
  • Nếu sống trong một khu vực đã được thông báo về dịch sởi, bạn có thể làm xét nghiệm kháng thể sởi để yên tâm hơn.

Vi Cao/HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bạn biết gì về bệnh sởi ở người lớn?
  • Bệnh sởi ở trẻ em và những lưu ý để hạn chế biến chứng nguy hiểm
  • Bệnh sởi có lây không? Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!