Bác sĩ cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi mặc phong phanh đến nơi siêu lạnh để “check in”

Cần biết - 04/29/2024

Dịp nghỉ lễ mới đây, cư dân mạng xôn xao ngạc nhiên về hình ảnh chàng thanh niên đến từ TP HCM 'check in' đỉnh Fansipan với một áo ba lỗ, trong khi nhiệt độ tại đây là 0 độ C và những người khác đều “áo kép”, khăn ấm... khiến nhiều người lo ngại cho sức khoẻ của chàng thanh niên “chơi trội” này .

Trước đó, trên nhiều trang mạng có chia sẻ hình ảnh trong khi hàng nghìn người co ro vì giá lạnh từ âm 1 đến 0 độ C trên đỉnh Fansipan (Lào Cai), một thanh niên đến từ Sài Gòn mặc áo ba lỗ chạy tung tăng khắp nơi.

Anh cho biết tên là Hoàng L. đến từ TP.HCM. Anh tới Sa Pa từ 31/12 và tham gia vào một cuộc thử thách bản thân, chống chọi với giá lạnh. Nhiều người thấy lạ đã tiến tới hỏi L. vì sao anh có thể chịu đựng được giá rét như vậy. Thanh niên 'mình đồng da sắt' này đi cáp treo lên như mọi du khách khác, không phải chạy bộ để làm nóng người.

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi mặc phong phanh đến nơi siêu lạnh để “check in”

Nam thanh niên mặc áo cộc trắng 'check in' tại đỉnh Fansipan với nhiệt độ 0 độ

Nói về trường hợp này, trong cuộc trao đổi với báo chí chiều ngày 2/1 tại BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cho biết, về lý thuyết sẽ có nguy cơ sức khoẻ với những người gặp lạnh đột ngột.

Tuy nhiên, với mỗi người, ngưỡng chịu đựng giá lạnh rất khác nhau. Thậm chí ở Úc, có những người còn tham gia cuộc thi bơi qua băng giá lạnh. Nhưng họ chịu đựng được có lẽ do đã được tập luyện.

“Còn với những người lần đầu trải nghiệm nhiệt độ như thế có nhiều nguy cơ: hạ thân nhiệt, bình thường 37 độ, xuống 35 độ hoặc dưới 35 độ có thể rơi vào rối loạn ý thức, hôn mê, dẫn theo nhiều hậu quả, mạch máu ngoại biên bị co, việc tưới máu ngoại biên không thực hiện được, cơ quan không được thiếu máu sẽ thiếu không khí, oxy, đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy hiểm”- TS. Bs Nguyễn Văn Chi nói.

Các bác sĩ cũng cho biết, tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai đã từng tham gia cấp cứu nhiều bệnh nhân về quê ngày giá rét, đi xe máy, xe đạp không may bị rơi xuống ao nước lạnh, khi được kéo lên bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hạ nhiệt độ, hôn mê.

'Khi còn học nước ngoài, chúng tôi đã từng học những ca lâm sàng, nam thanh niên đi ô tô trên băng, không may bị văng ra, rơi xuống đống tuyết trong 6 tiếng. Bệnh nhân dù không có chấn thương ngoài nhưng lại rơi vào tình trạng hôn mê rất sâu do tình trạng lạnh quá, nhiệt độ cơ thể xuống thấp quá. Đặc biệt nguy cơ đột quỵ xảy ra trong môi trường thời tiết lạnh, nhưng thời tiết khắc nghiệt, thay đổi nóng - lạnh đột ngột, khả năng đột quỵ còn cao hơn.

Cảnh báo những nguy cơ đối với sức khoẻ của những trường hợp thử sức trong thời tiết giá lạnh như cởi trần hay ăn mặc phong phanh, TS. BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết với người bình thường, khi bệnh nhân bị lạnh, nhiệt độ xuống thấp dẫn đến tình trạng mạch máu ngoại biên co lại dẫn đến việc tưới máu của bệnh nhân rất kém, không thực hiện được.

Điều này dẫn đến nhiều cơ quan xảy ra tình trạng thiếu không khí, thiếu ôxy, chuyển thành tình trạng toan hoá, từ đó đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy hiểm. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người bình thường không nên 'thử nghiệm' cảm giác mạnh khi phong phanh áo trong thời tiết giá lạnh khi mà bản thân chưa biết sức chịu đựng, giới hạn bản thân đến đâu.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!