Đếm nhịp thở
Thay đổi nhịp thở là một trong những dấu hiệu phát hiện được khi có những rối loạn về chức năng hô hấp. Nhịp thở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thay đổi theo tuổi. Vì vậy đếm nhịp thở là một trong các cách tiếp cận chẩn đoán bệnh lý hô hấp.
Tuy nhiên đếm nhịp thở cho trẻ nhỏ sẽ cần phải lưu ý vì nhịp thở của trẻ rất dễ bị thay đổi, đặc biệt là khi có các kích thích bên ngoài. Chẳng hạn như nhịp thở của trẻ sơ sinh trong tuần đầu có thể thay đổi từ 40-50 lần/1 phút và nhìn chung là nếu nhịp thở dưới 60 lần/ 1 phút thì vẫn ở giới hạn bình thường. Sau những đợt ngừng thở ngắn, trẻ sơ sinh có thể tăng nhịp thở lên, có co rút lồng ngực và phập phồng cánh mũi trong một thời điểm nhất định.
Các trẻ lớn bị bệnh phổi hạn chế có thể làm cho nhịp thở nhanh hơn và trẻ thở nông hơn.
Nghe các tiếng thở bằng tai
Bình thường ta không nghe thấy tiếng thở vào hoặc thở ra của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ bị một số bệnh ở đường hô hấp ta có thể nghe thấy một số tiếng thở bất thường bằng tai hoặc bằng ống nghe.
Trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, đặc biệt vào mùa đông (Ảnh minh họa: Internet)
Tiếng thở rên
Là tiếng thở ngắn, phát ra ở thì thở ra, có thể nghe được khi ta ghé sát tai vào miệng trẻ. Tiếng thở này thường gặp ở các trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng. Khi đó, phổi của trẻ thường có xu thể xẹp lại. Để chống lại xẹp phổi, trẻ cố gắng giữ lại thêm thể tích cặn chức năng bằng cách đóng nắp thanh quản lại ở cuối thì thở ra.
Thở rít
Là tiếng thở phát ra ở thì thở vào, có thể nghe được bằng tai khi quan sát trẻ thở. Tiếng thở này gặp trong các bệnh có hẹp đường thở trên, đoạn phía ngoài lồng ngực gây ra do các bệnh như: viêm thanh quản, mềm sụn thanh quản, dị vật đường thở…
Thở khò khè
Là tiếng thở phát ra ở thì thở ra, có thể nghe được bằng tai khi ta ghé sát tai vào miệng trẻ. Tiếng thở này là do tắc nghẽn ở đường hô hấp dưới, từ phế quản trở xuống, thường gặp trong các bệnh viêm tiểu phế quản, hen, các khối u hoặc dị dạng mạch máu lớn chèn ép vào phế quản… Cần phải phân biệt với tiếng thở khụt khịt do tắc mũi do ứ đọng đờm dãi ở mũi họng. Tiếng thở này thường phát ra ở cả hai thì thở ra và thở vào và sẽ mất đi khi ta hút sạch dịch ở mũi họng.
Nghe phổi bằng ống nghe
Trẻ bị các bệnh phổi tắc nghẽn thì nhịp thở thường chậm lại và trẻ thở sâu hơn. Khi bị tắc nghẽn đường thở ở ngoài lồng ngực (từ mũi đến giữa khí quản) thì thường kéo dài thì thở vào và có tiếng rít thì thở vào. Khi bị tắc nghẽn đường thở đoạn nằm ở trong lồng ngực thỉ thở ra thường kéo dài hơn thì hít vào và khi đó bệnh nhân thường có hiện tượng co kéo cơ hô hấp phụ.
Với các bác sĩ, nghe phổi bằng ống nghe là biện pháp thăm khám lâm sàng có thể đánh giá được tiếng thở vào và thở ra xem tiếng thở đó có bị kéo dài ra không hoặc có nghe được rõ không sẽ đánh giá được luồng khí vào phổi. Kéo dài thì thở ra khi nghe phổi thường gặp trong các bệnh phổi tắc nghẽn như hen phế quản hoặc viêm tiểu phế quản. Giảm hoặc mất tiếng rì rào phế nang khi nghe phổi thường gặp trong các tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi, xẹp phổi hoặc trong các tình trạng bệnh quá nặng hoặc bệnh nhân sắp ngừng thở.
Bác sĩ có thể dùng ống nghe để biết bệnh, còn mẹ có thể đếm nhịp thở của trẻ (Ảnh minh họa: Internet)
Nghe phổi có thể thấy được các tiếng rít, ngáy hay gặp trong hen, ran ẩm hay gặp trong viêm phổi, viêm tiểu phế quản và cả hen nữa.
Nghe phổi bằng ống nghe có thể nghe được tiếng thở rít thì thở vào do tắc nghẽn ở đường hô hấp trên vang xuống nhưng thường thì không rõ bằng khi ta nghe bằng tai và đưa gần tai vào miệng trẻ.
Gõ phổi
Gõ phổi thường trong các bệnh phổi hạn chế và gõ trong ở các bệnh phổi tắc nghẽn. Gõ phổi sẽ rất khó đánh giá được nếu thực hiện trên trẻ sơ sinh nhẹ cân vì các tiếng gõ vang ra từ tổ chức phổi bị bệnh sẽ bị lẫn với các vùng xung quanh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Khoa Nhi, BV Bạch Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!