Cần lưu ý, với người già và trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch kém nên nguy cơ mắc bệnh hô hấp cũng cao hơn.
Nhóm bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe
GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Riêng với nước ta, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề cùng với việc hút thuốc lá, thuốc lào phổ biến ở nam giới và việc xuất hiện lan tràn các vi khuẩn kháng thuốc, đa kháng thuốc làm cho tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh nhân các bệnh hô hấp ngày càng gia tăng.
Thời tiết chuyển lạnh như hiện nay, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm cũng là nguyên nhân chính khiến cho các bệnh lý hô hấp tăng nhanh. Bác sĩ Vũ Văn Thành, khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, khi thời tiết nóng lạnh đột ngột, cơ thể của con người, đặc biệt là người cao tuổi và người có sẵn bệnh nền sẽ không đủ sức đề kháng để kịp thích ứng với nhiệt độ, đường thở dễ bị cảm nhiễm và dẫn đến các đợt kịch phát hơn so với các mùa khác.
Không chỉ với người cao tuổi mà trẻ em cũng là đối tượng dễ nhiễm bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu bất thường và sự ô nhiễm môi trường góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, hằng năm có hơn 4 triệu trẻ em trên thế giới tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp, chủ yếu do viêm phổi. Đáng chú ý hơn, trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp từ 4 - 6 lần trong một năm. Điều này làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều bậc phụ huynh và là gánh nặng bệnh tật đối với xã hội.
Không tự ý mua thuốc điều trị
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh lý hô hấp rất hay gặp trong thời điểm thời tiết thay đổi bất thường. Vi rút, vi khuẩn gây bệnh luôn có sẵn trong cộng đồng và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể, không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị.
Cũng theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, tùy theo từng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc gì cho phù hợp. Bệnh nhân không nên tùy tiện uống thuốc kháng sinh, kháng viêm bởi sẽ nguy hiểm đối với sức khỏe. Đối với bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần được ưu tiên sử dụng các thuốc đường phun hít hoặc khí dung trực tiếp vào đường hô hấp. Điều đó sẽ giúp việc trị bệnh đạt được hiệu quả tối ưu, đồng thời giảm các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Đối với trẻ em, trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. GS.TS Ngô Quý Châu cho rằng, chính thói quen của người dân tự ý mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp sẽ làm vi khuẩn kháng lại kháng sinh, hệ lụy là khi mắc bệnh nặng, không thể có thuốc nào chữa được. Ngoài ra, nếu tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến dị ứng thuốc, nặng có thể gây sốc phản vệ, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng, theo sự chỉ định của bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh, nhất là với trẻ em. Với những trẻ hay sổ mũi (nước mũi xanh xanh, vàng vàng, đục đục) thì việc rửa mũi rất quan trọng vì sẽ giúp thông thoáng đường hô hấp, có thể giúp trẻ tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh và đặc biệt là không bị lan ra gây viêm tai, hay xuống phế quản.
Phòng bệnh như thế nào?
Để phòng bệnh hô hấp, PGS.TS Vũ Văn Giáp khuyến cáo, người bệnh cần được tiêm vắc xin phòng ngừa cúm và phế cầu. Đây là hai tác nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường hô hấp và gây đợt cấp của các bệnh phổi mạn tính. Người bệnh tránh đi ra ngoài khi trời lạnh hoặc không khí ô nhiễm. Nếu đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn). Bên cạnh đó, để giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm không khí, người dân nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay cho bếp than tổ ong. Quá trình tham gia giao thông, khi dừng đèn đỏ, hãy tắt máy xe; công trình xây dựng cần che chắn kỹ; xe ô tô cần kiểm soát phát thải khói bụi...
GS.TS Ngô Quý Châu khuyến cáo, với thời tiết như hiện nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng việc tăng cường đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nếu bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, người bệnh cần đi khám và điều trị triệt để, ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng hơn, tiến triển thành mạn tính, gây biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!