Cháu chào bác sĩ!
Năm nay cháu 20 tuổi, kinh nguyệt của cháu đều, tháng sau chỉ chênh lên 2 - 3 ngày so với tháng trước là cháu có kinh. Nhưng vào tháng này, cháu vẫn chưa có kinh, mà số ngày đã lên đến 11 ngày rồi. Cháu cũng có biểu hiện như mọi lần trước khi gần đến ngày là mỏi đoạn cuối lưng, miệng đắng, ra khí hư.
Hiện tại, cháu mới đi làm được 3 tháng, ăn uống không cố định giờ giấc, sáng ăn sớm từ 10h30 và đến trưa là nhanh đói ( nhưng 2 tháng trước đi làm cháu vẫn có kinh bình thường), cũng có ăn cay nhưng cháu rất hạn chế, hay uống đồ có ga, ăn nhiều thịt nạc, ít rau. Vậy cháu hỏi bác sĩ là cháu có bị làm sao không? Bác sỹ cho cháu lời khuyên.
(Việt Chinh)
Nếu đã quan hệ tình dục mà không áp dụng biện pháp tránh thai thì nhiều khả năng bạn đã có thai ngoài ý muốn (Ảnh minh họa: Internet)
Bác sỹ Tiin trả lời:
Bạn 20 tuổi, đã qua tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt đã tương đối ổn định. Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý, trong đó mỗi tháng một lần người phụ nữ ra huyết từ tử cung qua âm đạo, âm hộ ra ngoài. Để tạo ra chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng phải có sự hoạt động ổn định của nhiều cơ quan như vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng, tử cung. Các yếu tố khác như sức khỏe, dinh dưỡng, bệnh tật, tinh thần... cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở người phụ nữ.
Vô kinh sinh lý xảy ra trong khi có thai, trong thời gian cho con bú. Vô kinh bệnh lý phải kiểm tra hoạt động của cơ quan sinh dục, cần thiết phải kiểm tra hoạt động của cơ quan liên quan như tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận.
Nếu em đã có quan hệ tình dục mà không áp dụng biện pháp tránh thai thì nhiều khả năng em đã có thai ngoài ý muốn. Muốn biết kết quả cũng không khó lắm, em chỉ cần ra hiệu thuốc mua que thử thai, thử nước tiểu theo đúng hướng dẫn. Nếu chỉ có 1 vạch hồng là kết quả âm tính (em không có thai). Nếu có 2 vạch là kết qua dương tính (em đã có thai).
Nếu em chưa có quan hệ tình dục thì sẽ loại bỏ khả năng vô kinh do có thai. Thời gian chậm kinh mới có 11 ngày cũng chưa nên lo lắng quá, em đợi thêm thời gian nữa (đến chu kỳ tới). Các yếu tố liên quan đến thay đổi sinh hoạt (công việc, ăn uống) cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em, kể cả chu kỳ kinh nguyệt.
Vậy, theo dõi thêm em nhé, có vấn đề gì lại chia sẻ với chúng tôi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!