Bác sĩ trẻ 'bỏ phố lên rừng' mong ước đóng góp chút sức cho đời

Thời sự - 11/24/2024

'Cuộc đời của mỗi con người có hai điều đáng quý, đó là sức khỏe và thời gian. Có những việc, chỉ khi trẻ mình mới có thể thử sức và trải nghiệm. Bởi vậy, tôi mong đóng góp một chút sức trẻ cho cuộc đời…'

Bác sĩ trẻ 'bỏ phố lên rừng' mong ước đóng góp chút sức cho đời

BS Nguyễn Chiến Quyết tại lễ nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2019.

Mong muốn được cống hiến

Là 1 trong 10 cá nhân được nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2019, bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết (BV Đa khoa Bắc Hà) vẫn giữ sự khiêm tốn, điềm tĩnh của một người thầy thuốc chuyên ngành ngoại khoa.

Anh là một trong 7 bác sĩ của dự án 585 đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Năm 2013, chàng sinh viên y khoa tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, được phân công công tác tại BV Bạch Mai nhưng trong thâm tâm anh luôn mong muốn mang những kiến thức bản thân để trải nghiệm, để dấn thân và cống hiến cho những người dân ở vùng còn khó khăn.

Vì thế, trong suốt thời gian ngồi trên giảng đường, Nguyễn Chiến Quyết đều dành thời gian cho những chuyến đi tình nguyện tại vùng cao. Ở những nơi này luôn có sức hút mãnh liệt khiến Nguyễn Chiến Quyết luôn tâm niệm sẽ tranh thủ trở lại nếu có điều kiện.

Sau hai năm được tiếp tục đào tạo Chuyên khoa cấp I tại BV Bạch Mai, khi Bộ Y tế có dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về địa bàn khó khăn, 'cơ hội vàng' để vị bác sĩ trẻ quyết định viết đơn xin tham gia.

Năm 2017, Nguyễn Chiến Quyết chính thức lên công tác tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai) để lại người vợ trẻ mới cưới ở Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên Infonettại buổi lễ vinh danh 'Tình nguyện Quốc gia năm 2019' tại Cao Bằng, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết cho biết, kiến thức trên giảng đường cùng thời gian thực tập phụ mổ tại bệnh viện dưới xuôi đã giúp anh tự tin trong công việc của mình.

'Tôi luôn nghĩ, cuộc đời của mỗi con người có hai điều đáng quý, đó là sức khỏe và thời gian. Có những việc, chỉ khi trẻ mình mới có thể thử sức và trải nghiệm. Bởi vậy, tôi muốn hiện thực hóa mơ ước bằng những việc làm cụ thể, mong đóng góp một chút sức trẻ cho cuộc đời' - BS Chiến Quyết nói.

Cho đi để nhận lại

Hỏi anh điều được nhất là gì khi ngược dốc, ngược đèo lên công tác ở nơi mà cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật cho bác sĩ hành nghề thiếu thốn hơn rất nhiều so với nơi anh từng công tác (BV lớn nhất nhì cả nước), anh cười bảo, 'đó là tình người'.

Bởi chỉ khi lên vùng cao mới cảm nhận sự thiếu thốn vất vả của bà con dân bản. Nhiều khi để được khám chữa bệnh, họ phải vượt những con dốc, đoạn đường rừng vài chục km nhọc nhằn. Thế nên, bất cứ bác sĩ và nhân viên y tế nào, hễ giúp đỡ được cho bà con điều gì là luôn nhiệt tình và sẵn sàng.

Bác sĩ trẻ 'bỏ phố lên rừng' mong ước đóng góp chút sức cho đời

Một trong số 900 ca mổ mà bác sĩ Nguyễn Quyết Chiến đã từng tham gia tại BV Bắc Hà (Lào Cai).

Hầu hết những bệnh nhân đến viện không chỉ 'đói' về tiền bạc, còn 'nghèo' cả về nhận thức, vì thế cũng giống như các nhân viên y tế tại đây, ngoài khám chữa bệnh về chuyên môn anh còn thường xuyên phải làm công tác tư tưởng, vận động để họ yên tâm chữa bệnh. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, không có bảo hiểm, y bác sĩ trong viện lại cùng quyên góp hỗ trợ.

BS Nguyễn Chiến Quyết chia sẻ, việc cán bộ nhân viên ứng tiền cá nhân để hỗ trợ người bệnh, hay nộp hộ họ các khoản tạm ứng khi vào viện không phải là chuyện hiếm. 'Ở đây ai cũng sẵn lòng giúp đỡ bà con dân bản trong điều kiện của mình', BS Nguyễn Chiến Quyết nói.

Đặc biệt, làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, công việc khá áp lực. Cả Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà chỉ có 3 bác sĩ mổ trong khi bệnh nhân thì nhiều, không ít những ca bệnh nặng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới viện đã nguy kịch. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng khó đong đếm.

Một trong những ca bệnh khiến vị bác sĩ trẻ không thể nào quên là một một nam bệnh nhân bị tai nạn bất ngờ, nhập viện trong tình trạng sốc, mất khá nhiều máu. Bệnh nhân bị vỡ lá lách, chảy máu trong ổ bụng, cần phải mổ gấp.

'Bệnh viện không có máu dự trữ, buộc phải có máu của người thân cùng nhóm máu để truyền. Nhưng quan niệm của người Mông lại khác. Họ không chịu 'cho' máu dù đó chính là người thân của mình. Họ sợ nếu người bệnh không qua khỏi thì sẽ mang máu của mình xuống mồ', BS Nguyễn Chiến Quyết nhớ lại.

Vậy là trong lúc nước sôi lửa bỏng ấy, các y bác sĩ lại cùng nhau chia sẻ chính giọt máu của mình để cứu sống người bệnh.

Hay một ca bệnh khác cũng được cấp cứu trong đêm. Sản phụ được đưa vào viện lúc 3-4h sáng trong tình trạng tiền sản giật. Cả mẹ và thai nhi đều trong tình trạng nguy kịch. Vị bác sĩ trẻ không khỏi ngỡ ngàng khi biết bà bầu mới 15-16 tuổi, độ tuổi quá nhỏ cho việc sinh nở. Chỉ mất ít phút bất ngờ, BS Nguyễn Chiến Quyết lập tức hội chẩn nhanh với y tá và hộ sinh rồi quyết định thực hiện ca mổ tức thì.

'Mặc dù ca mổ khá phức tạp, diễn ra trong tình huống xấu, nhưng cuối cùng tôi cũng đã cứu được cả hai mẹ con. Tiếng khóc của cháu bé cũng là lúc niềm vui của kíp mổ hôm ấy vỡ òa. Khi ấy trời đã sáng...', BS Nguyễn Chiến Quyết nói.

Box: Từ tháng 7/2017 đến nay, bác sĩ Quyết đã tham gia mổ hơn 900 ca chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, trong đó có các ca mổ nặng và nguy hiểm. Với những nỗ lực của mình, năm 2018, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết được vinh danh là một trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu. Năm 2019, anh được vinh danh là 1 trong 10 cá nhân đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.

Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2019 do Trung ương Đoàn phối hợp Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc khởi xướng từ năm 2011 nhằm trao tặng tập thể, cá nhân có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!