Đặc tính của bệnh đau thần kinh tọa là đau lan theo đường đi của dây thần kinh hông.
Theo Đông y bệnh đau dây thần kinh tọa dưới các tên: yêu cước thống, yêu thoái thống, tọa cốt thống... Đặc tính của bệnh đau thần kinh tọa là đau lan theo đường đi của dây thần kinh hông. Trong quá trình điều trị dùng thuốc theo chỉ định của nhà chuyên môn, các bài tập vật lý trị liệu thông thường, giúp bệnh nhân bị đau thần kinh tọa mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần, giảm cơn đau trong quá trình điều trị bệnh.
Đi bộ đúng cách rất tốt cho sức khỏe.
Một số động tác bệnh nhân có thể tự tập:
- Trước hết nằm sấp và làm những động tác gồng cơ mông sau đó ngẩng đầu lên, xoay đầu sang trái, phải, trước, sau từ 2-6 cái. (Hình 1)
Hình 1.
- Bệnh nhân nằm ngửa, gập duỗi gối từng bên và 2 bên cùng lúc. Sau đó tay để sau gáy, nhấc đầu và vai lên. Tiếp theo nhấc từng chân lên, hạ xuống, làm từ 1-3 lần.
- Người bệnh quỳ, chống 2 tay và 2 gối. Sau đó, đưa từng chân lên, hạ xuống (Hình 2). Tiếp theo bệnh nhân quỳ một chân, mông ngồi trên bắp chân, bàn chân duỗi. Chân kia duỗi ra phía sau. 2 tay để 2 bên đầu gối chống xuống giường.
Hình 2.
- Bệnh nhân đưa 2 tay thẳng lên trời, 2 cánh tay ngang với 2 tay, thân ưỡn ra sau tối đa, hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản bằng cách hít thêm, đồng thời dao động thân trên và đầu về phía trước, sau từ 2 - 6 cái. Sau đó, hạ tay chống xuống giường thở ra triệt để. Động tác này làm từ 1-3 lần.
Đối với người bệnh chân bị đau cần xoa chi dưới bằng cách bệnh nhân ngồi, nếu chân trái đau thì hơi co đầu gối trái, chân phải thẳng, 2 bàn tay đặt trên đầu gối trái, xoa từ trên xuống dưới và phía bên cẳng chân, rồi xoa từ cổ chân lên đến mông phía sau từ 10-20 lần. Thở tự nhiên.
Đối với bệnh nhân bị thoái hóa cột sống, tốt nhất là nên đi bộ mỗi buổi sáng. Tùy theo thể trạng mà đi bộ với thời gian phù hợp. Lúc đầu có thể đi khoảng 20 phút, sau tăng lên 30-45 phút. Đi bộ có thể chống cứng khớp, làm dẻo dai cột sống.
Đối với người bệnh chân đau, nếu có điều kiện, tập động tác có sự hỗ trợ của của kỹ thuật viên hoặc người thân. Tập cổ chân gồm 2 động tác: Động tác quay cổ chân, bệnh nhân nằm ngửa, kỹ thuật viên đứng bên cạnh phần cẳng chân, một tay giữ gót chân người bệnh, tay kia nắm phía đầu bàn chân quay cổ chân bệnh nhân 2-3 lần, rồi đẩy bàn chân vào ống chân để chân co tối đa, sau đó, duỗi bàn chân đến cực độ. Động tác lắc cổ chân, kỹ thuật viên đứng phía dưới, 2 tay ôm cổ chân bệnh nhân, 2 ngón cái để trên mắt cá trong và mắt cá ngoài; dùng gốc bàn tay đẩy đưa gót chân người bệnh vào trong, ra ngoài khoảng 2 - 3 lần.
Lưu ý, để bài tập đạt hiệu quả, người bệnh cần kiên trì, mỗi lần tập tối đa từ 30 - 45 phút.
Bác sĩ Hồng Hạnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!