Bạn có biết cách phân loại tính cách con người?

Tâm lý - 04/25/2024

Các nhà khoa học đã tìm ra cách phân loại tính cách con người dựa theo suy nghĩ, cảm nhận và cách hành xử hàng ngày.

Đặc điểm tính cách riêng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của chính bạn. Các nhà khoa học đã tìm ra cách phân loại tính cách con người dựa theo suy nghĩ, cảm nhận và cách hành xử.

Nhiều nhà tâm lý học đã thống nhất xác định phân loại đặc điểm tính cách thành 5 nhóm chính theo mô hình OCEAN hay còn gọi là mô hình tính cách 5 yếu tố:

  • Openness (tính cởi mở)
  • Conscientiousness (sự tận tâm)
  • Extraversion (tính hướng ngoại)
  • Agreeableness (dễ cảm thông)
  • Neuroticism (tâm lý bất ổn)

Mô hình tính cách này dùng để kiểm tra xem bạn có bao nhiêu phần trăm cho từng mặt tính cách trong 5 yếu tố này. Chẳng hạn như bạn có thể có một chút cởi mở, rất tận tâm, đôi khi hướng ngoại, cực kỳ dễ chịu và không hề có chút tâm lý bất ổn nào cả.

Bạn hãy xem đặc điểm tính cách của mình sẽ được tiết lộ ra sao qua 5 yếu tố phân loại tính cách con người bên dưới nhé:

1. Phân loại tính cách con người cởi mở

Bạn có biết cách phân loại tính cách con người?

Tính cởi mở ở đây được hiểu là sự sẵn sàng trải nghiệm cái mới. Yếu tố này biểu trưng cho tâm lý yêu thích phiêu lưu, hứng thú với sáng tạo nghệ thuật và những ý tưởng độc đáo. Đây là một lợi thế giúp bạn có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tạo.

Nếu bạn ở chiều ngược lại, tức là thích hành xử theo thói quen và khó chấp nhận thử thách mới, cho thấy bạn kiên định và chắc chắn, còn mặt hạn chế là khó khăn khi bạn phải thích ứng với môi trường mới. 

Đặc điểm tính cách cởi mở có liên quan đến sự tò mò và hiếu kỳ. Bạn hãy cẩn thận và tỉnh táo để không rơi vào những trải nghiệm mới đầy cám dỗ như sử dụng chất kích thích có hại cho sức khỏe. 

2. Phân loại tính cách con người tận tâm

Bạn có biết cách phân loại tính cách con người?

Nếu có sự tận tâm nhiều thì chắc chắn bạn là một người có trách nhiệm và tính kỷ luật cao. Bạn thuộc tuýp người độc lập, thường đặt ra mục tiêu và biết cố gắng phấn đấu để đạt được các thành tựu trong công việc. Trong các mối quan hệ thân thiết, bạn cũng có xu hướng gắn bó trung thành với những người mình tôn trọng và quý mến.

Trái lại, nếu có sự tận tâm thấp, bạn có xu hướng không định rõ mục tiêu cuộc sống và cũng hay bất cẩn. Chính vì điều này mà bạn có thể gặp khó khăn khi lên kế hoạch tiết kiệm hoặc những hoạch định cho tương lại.

Sự tận tâm là một đặc điểm tính cách tốt có liên hệ nhiều với thành công trong học vấn và công việc. Nhưng khi ở mức độ cực điểm, người tận tâm có thể trở nên nghiện công việc và dễ căng thẳng.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bạn có phải là người nghiện công việc?

3. Phân loại tính cách con người hướng ngoại

Bạn có biết cách phân loại tính cách con người?

Nếu là người hướng ngoại, bạn sẽ thường cảm thấy các hoạt động và những buổi giao lưu chính là nguồn năng lượng cho mình. Bạn thích tìm kiếm và cần động lực từ môi trường xung quanh. Bạn cũng thường rất hăng hái, nhiệt tình, thích nói chuyện và khẳng định mình. Ở bên cạnh bạn, mọi người thường cảm thấy vui vẻ và được truyền cảm hứng trải nghiệm những điều mới mẻ.

Ngược lại với tính cách hướng ngoại là hướng nội, bạn sẽ ít hòa mình vào xã hội mà cần nhiều thời gian riêng tư hơn. Điều này không có nghĩa là bạn không thân thiện hay né tránh xã hội mà bạn muốn thận trọng hơn trong các tình huống. Nguồn năng lượng của bạn tập trung vào thế giới nội tâm hơn là những yếu tố tác động bên ngoài.

Người hướng nội nên học cách suy nghĩ tích cực của người hướng ngoại để thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Ngược lại, người hướng ngoại nên tham khảo cách tư duy có chiều sâu của người hướng nội để đánh giá vấn đề đúng đắn hơn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 7 sức mạnh của người hướng nội khiến bạn trở nên đặc biệt hơn. 

4. Phân loại tính cách con người cảm thông

Bạn có biết cách phân loại tính cách con người?

Sự cảm thông thường gắn với sự tử tế, thân thiện và dễ động lòng thương. Nếu có nhiều đặc điểm tính cách này, bạn sẽ thường có xu hướng tin rằng đa phần mọi người đều tốt bụng và đáng tin cậy. Bạn hay có lòng vị tha và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nét tính cách này lại dễ khiến bạn dễ bị lợi dụng mà không hề hay biết. 

Ngược lại, sự ghen tỵ sẽ khiến bạn trở nên khó động lòng trắc ẩn hơn. Cảm giác thấy ghen tỵ với ai đó thường là do bạn đang thấy không an toàn khi có ai đó thành công hơn mình. Sự cảm thông thấp cũng có liên quan tới một số bệnh tâm lý như ái kỷ (yêu bản thân) hay tính cạnh tranh tiêu cực.

Sự cảm thông sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc và vui vẻ hơn khi được giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, hãy luôn tỉnh táo để lòng tốt của bạn không bị sử dụng cho những mục đích lợi dụng hoặc gây hại cho người khác.

5. Phân loại tính cách con người theo tâm lý

Bạn có biết cách phân loại tính cách con người?

Nếu có tâm lý bất ổn, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái lo lắng thường xuyên, thậm chí là trầm cảm. Mặc dù mọi chuyện vẫn bình thường nhưng bạn vẫn hay nghiêm trọng hóa vấn đề và luôn thấy có gì đó đáng phải lo âu. Đặc điểm tính cách này khiến bạn có xu hướng tự làm khổ mình thay vì tìm cách giải quyết vấn đề. 

Ngược lại, khi đặc điểm tâm lý bất ổn ở mức thấp thì cảm xúc của bạn sẽ vững vàng hơn và ít khi phản ứng tiêu cực với những áp lực căng thẳng hơn. Bạn thường có xu hướng bình tĩnh, không nóng nảy mà vẫn giữ điềm tĩnh khi xử lý vấn đề. 

Khi biết cách điều chỉnh lại tâm lý cân bằng và bình ổn, bạn sẽ thấy cuộc sống đỡ áp lực và cảm giác thoải mái. Nếu tâm lý lạc quan, bạn sẽ vượt qua mọi khó khăn ập đến với mình. 

Tính cách có thể khó đổi thay nhưng khi biết được những hạn chế trong đặc điểm tính cách của mình, bạn nên cố gắng điều chỉnh để dần lấy lại sự cân bằng. Khi ấy, bạn sẽ có cả sức khỏe tinh thần và thể chất ở mức tốt nhất để tận hưởng cuộc sống. Bạn không thể thay đổi hoàn toàn nét tính cách riêng, song bạn sẽ có thể thay đổi cuộc đời mình bằng những điều chỉnh nhỏ đấy!

Tuyết Trinh | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Làm sao để biết bạn đang mắc một căn bệnh tâm lý?
  • 9 cạm bẫy tâm lý khiến bạn hành động khác suy nghĩ
  • 10 bệnh tâm lý mà chúng ta thường nhầm tưởng là tính cách

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!