Bạn nên làm gì khi cả hai đang xung đột?

Tâm lý - 11/28/2024

Nếu bạn không biết làm thế nào để bày tỏ những cảm xúc tiêu cực khi xung đột, bạn có thể vô tình làm tổn thương người mình hết mực yêu thương.

Nếu bạn không biết làm thế nào để bày tỏ những cảm xúc tiêu cực khi xung đột, bạn có thể vô tình làm tổn thương người mình hết mực yêu thương.

Trong một mối quan hệ, nếu một người không muốn trải lòng về những suy nghĩ cùng cảm xúc của bản thân, người kia sẽ cho rằng nửa kia của họ không quan tâm hoặc xem trọng mối quan hệ này. Lời nói chính là “con dao hai lưỡi” bởi vì nó có thể mang lại sự ngọt ngào lẫn sự tổn thương. Do đó, khi bạn vô tình nói những lời lạnh lùng trong cơn tức giận, người ấy của bạn sẽ đau lòng và cảm thấy nghi ngờ về tình cảm của cả hai.

Suy nghĩ mọi chuyện kỹ càng trước khi nói  

Khi bạn và đối phương đang có mâu thuẫn cũng như đều trong trạng thái tức giận, đây chính là khoảng thời gian mà cảm xúc tiêu cực của cả hai dễ bùng phát nhất. Trong thời điểm nhạy cảm này, khi cả hai cùng trao đổi về bất kỳ vấn đề nào, mấu chốt “nguy hiểm” không nằm ở nội dung cuộc trò chuyện, mà phụ thuộc vào cách bạn bày tỏ quan điểm. Dù rằng thậm chí bạn không giận người ấy, tuy nhiên bạn cũng có thể vô tình nói chuyện với giọng điệu gắt gỏng và khó chịu.

Điều này hoàn toàn có thể lý giải được. Khi bạn đang có những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ khó lòng kiểm soát thái độ cũng như giọng điệu khi nói chuyện. Tình trạng này cũng giống như bạn đang quá mệt mỏi và cố gắng chống lại tâm trạng tiêu cực của bản thân mà quên mất đi sự quan tâm của đối phương. Vì thế, một trong những nguyên tắc quan trọng để giữ gìn mối quan hệ là bạn cần suy nghĩ kỹ càng, tránh nói những lời gây tổn thương, xúc phạm nửa kia.

Bày tỏ cảm xúc của bạn bằng cách viết thư

Nói chuyện có thể không phải là lựa chọn sáng suốt trong khi cả hai đang cáu gắt và xung đột. Việc nói chuyện trong lúc tức giận sẽ chỉ làm tổn thương đối phương. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên giữ im lặng khi hai người đang xung đột. Hãy nhớ điều này: sự im lặng có thể âm thầm giết chết mối quan hệ của bạn! Ngoài cách trao đổi trực tiếp, bạn vẫn có rất nhiều biện pháp khác để giải thích vấn đề cũng như bày tỏ cảm xúc trong lòng mà không làm tổn thương người kia. Trong trường hợp này, viết thư chính là một cách giúp bạn bình tĩnh tha thứ khi cả hai xung đột.

Sau khi thể hiện những cảm xúc cùng suy nghĩ tiêu cực trên mặt giấy, bạn sẽ không còn nóng giận và có thời gian bình tĩnh lại. Thư từ chính là công cụ hữu ích giúp bạn sắp xếp suy nghĩ và ổn định cảm xúc. Và sau khi viết xong thư, hãy gửi cho đối phương. Nếu bạn không thể hiện cho họ biết rằng bạn đang cần gì, họ sẽ khó có thể quan tâm và thấu hiểu bạn theo cách mà bạn muốn.

Đừng ngần ngại là người chủ động mở lời trước

Việc giữ im lặng khi cả hai đang xung đột chính là nguyên nhân góp phần gây thêm căng thẳng hay thậm chí là dẫn đến sự chia tay. Trái lại, việc nói chuyện cáu gắt mà không suy nghĩ sẽ dễ dàng khiến người thân yêu tổn thương. Vì thế, thay vì giữ im lặng và khiến người ấy phải suy đoán vì không biết bạn đang nghĩ gì, cách trò chuyện qua thư từ hay email sẽ khiến cả hai xoa dịu không khí căng thẳng, trở nên cởi mở và dễ làm hòa hơn.

Sau khi cơn giận đã dịu đi, bạn có thể mở lời để nói chuyện với đối phương. Bất kể là bạn đúng hay sai, đừng ngần ngại là người chủ động nói chuyện trước. Bạn có thể chỉ đơn giản là nhờ đối phương giúp đỡ một điều gì đó hay hỏi thăm tâm trạng người ấy. Hãy hạn chế giữ im lặng tuyệt đối trong lúc cả hai đang gây gổ nếu bạn không muốn mất đi người mình yêu thương nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Làm sao để tha thứ khi cả hai đang xung đột?
  • 6 mẹo xóa bỏ xung đột trong gia đình ngay lập tức
  • Xung đột gia đình: Con trẻ phải làm gì để vượt qua?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!