Bán thận: Lợi ích ngắn ngủi mà hậu quả cả đời

Sống khỏe mạnh - 04/25/2024

Những người nghèo cùng đường vẫn phải chấp nhận bán đi một phần cơ thể để duy trì cuộc sống và phải tiếp tục sống khuyết tật suốt phần đời còn lại.

Việc ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ngành ghép tạng nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, hơn 1.500 người cần ghép gan và khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý về giác mạc. Do vậy, nhiều bệnh nhân đã không thể sống sót được trong thời gian chờ cấy ghép.

Gia tăng tình trạng mua bán thận trái phép

Chính vì nhu cầu bức thiết như trên, phát sinh tình trạng săn tìm thận từ nguồn không chính thống. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có tới 7.000 quả thận được thu mua bất hợp pháp trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, tại nhiều khu vực còn xảy ra hiện tượng bắt cóc trẻ em đem bán để lấy nội tạng. Bên cạnh đó, việc buôn bán nội tạng đặc biệt là thận ngày càng trở nên công khai hơn trước, không khó để tìm thấy những lời rao bán hay thông tin liên hệ mua bán thận ở trên mạng.

Bán thận: Lợi ích ngắn ngủi mà hậu quả cả đời

Thị trường mua bán nội tạng trái phép ngày càng lộ liễu hơn vì nhu cầu ghép tạng ngày càng cao (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiều người bán thận để kiếm tiền mong đổi đời

Có những trường hợp vì nợ nần, cuộc sống khó khăn, quá bế tắc nên phải đi bán thận. Trung bình một quả thận bán được với giá khoảng 120 triệu đồng, đối với người nghèo thì đây thực sự là số tiền rất lớn. Họ nghĩ rằng với số tiền đó có thể đổi đời, nên sẵn sàng đánh đổi nội tạng cơ thể mình. Không những vậy, những người đã bán thận này trở về nhà còn rủ thêm nhiều người trở lại để bán tiếp. Chẳng thế mà trong cùng một gia đình mà có đến 5 người bán thận. Ban đầu chỉ một vài người rồi đến cả làng rỉ tai nhau, rủ nhau đi bán thận.

Đau xót những mảnh đời bán thận kiếm tiền

Vào tháng 6/2008, trường hợp sinh viên Tô Công Luân (Ninh Phước, Ninh Thuận) tử vong sau khi bán thận đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Theo người môi giới, Luân vì cần tiền đã đồng ý sang Trung Quốc bán thận. Tại đây, vì những kiểm tra qua loa mà bi kịch đã xảy ra. Luân được đưa về Việt Nam trong tình trạng suy kiệt, vài tuần sau thì qua đời.

Năm 2011, cậu sinh viên Wang Shangkun, 18 tuổi ở Hồ Nam đã bán một bên thận với chỉ với mục đích để mua chiếc iPhone đang 'hot' nhất khi đó và iPad 2. Hậu quả là sức khỏe Shangkun đã bị giảm sút nghiêm trọng.

Câu chuyện ông L (Tp. Cần Thơ) trốn vợ để đi 'hiến' thận kiếm tiền trả nợ cũng khiến nhiều người rơi nước mắt. Sau khi bán thận, ông L tưởng đời mình sẽ thoát cảnh nghèo, nào ngờ do mất một quả thận nên sức khỏe yếu đi trông thấy. Không làm được việc nặng, nên gánh vác gia đình giờ một mình vợ ông lo. Bởi thế, gia cảnh ông đã nghèo giờ lại càng túng quẫn.

Hậu quả nguy hại khôn lường

Tăng nguy cơ mắc bệnh:Một nghiên cứu đa trung tâm cho thấy, đối với người bán thận, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật không cao nhưng lại có nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, protein niệu, suy giảm chức năng thận,… Đó là chưa kể đến khả năng những bệnh cũ của họ có thể trở nên trầm trọng hơn.

Bán thận: Lợi ích ngắn ngủi mà hậu quả cả đời

Một quả thận bán đi, một món tiền nhận lại, một cơ thể rệu rã suốt cuộc đời (Ảnh minh họa: Internet)

Tỷ lệ tai biến cao: Để ca ghép thận được thành công đòi hỏi đảm bảo nhiều yếu tố. Nếu một yếu tố không tương thích thì hậu quả xảy ra rất có thể là cái chết. Tuy nhiên, khi mổ thận chui ở bên ngoài, các xét nghiệm được làm rất sơ sài, chỉ trong một ngày là hoàn tất. Đó là lý do tại sao tỷ lệ tai biến của việc mua bán thận chui rất cao. 

Gây bất ổn xã hội: Do nguồn cầu cao, lợi nhuận khổng lồ của ngành 'bán tạng', nhiều nước trên thế giới đã có những mạng lưới xã hội đen buôn bán nội tạng ngầm, gây bất ổn cho xã hội.  

Nói rõ hơn về vấn đề hiến - nhận tạng, trong chương trình tư vấn Ghép tạng- cơ hội hồi sinh sự sống, PGS.TS. Hà Phan Hải An, trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết: 'Với người cho thì các tiêu chuẩn đánh giá càng phải chặt chẽ họ vì họ đáng được ưu tiên, nhất là người cho sống. Bác sĩ phải đảm bảo an toàn cho người hiến. Khi họ hiến rồi vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe. Vì tiêu chí của chúng ta là tạo ra 2 người khỏe mạnh chứ không phải là 2 người bị bệnh, hay đổi người này để lấy người khác'. Tuy nhiên, với những vụ mua bán thận trái phép, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho người bán thận không được quan tâm.

Cũng theo PGS.TS. Hà Phan Hải An: 'Kể cả chúng ta hiến hay nhận đều có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngay cả người hiến tạng vẫn chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe bản thân. Nếu họ hiến sống thì có nguy cơ suy thận, vì vậy quy chuẩn lựa chọn rất là chặt chẽ. Khi làm việc phải thận trọng để hạn chế rủi ro cho người hiến. Với người nhận thì phải điều chỉnh để giữ tạng. Họ cũng có biến chứng khi sử dụng thuốc chống miễn dịch, đi kèm nhiều nguy cơ như: tim mạch. Chắc chắn phải có một nhóm các chuyên gia y tế để chăm sóc cho họ. Hiện nay gần 30% nhóm bệnh nhân nhận thận bị tử vong khi thận vẫn hoạt động tốt'.

Lợi trước mắt, hại cả đời

Sau khi bán thận, cầm được một khoản tiền lớn trong tay, nhiều người dân đã dùng nó vào việc trả nợ, xây nhà ở tạm nên số tiền ấy chẳng mấy chốc đã không còn lại gì. Trong khi đó, sức khỏe giảm sút, không còn khả năng lao động, cơ thể khuyết tật vật vã trong đau yếu, khổ sở. Sau cùng, thứ chờ đợi họ ở tương lai chỉ là những tiếng thở dài ngao ngán và cuộc sống vô định không biết rồi sẽ về đâu. Việc bán thận để lại biết bao nhiêu hệ lụy như vậy nhưng những người nghèo cùng đường vẫn phải chấp nhận bán đi một phần cơ thể để duy trì cuộc sống và phải tiếp tục sống khuyết tật trong suốt phần đời còn lại.

  Về giới hạn tuổi hiến tạng, GS.TS. Nguyễn Quốc Kính, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết: 'Theo tôi được biết thì không có giới hạn tuổi tác của người hiến tạng. Vấn đề ở đây là về pháp lý, tức là trên 18 tuổi thì công dân mới đủ hiểu biết trên tất cả các mặt trong đó có ý nguyện hiến tạng. Ở nước ngoài, trẻ em khi chết não, muốn lấy tạng phải hỏi ý kiến gia đình, còn công dân 18 tuổi trở lên, khi hiến tạng chỉ cần thẻ đồng ý hiến tạng, không cần ý kiến của gia đình'.  

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!