Khi bạn vận động hoặc khi đang phải tiếp xúc với nhiệt độ cao, cơ thể sẽ nóng lên và bắt đầu toát mồ hôi. Theo các nhà nghiên cứu, đổ mồ hôi là phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể trước sự nhiễm trùng để tiêu diệt vi khuẩn hoặc vi-rút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đổ mồ hôi bất thường có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Không có mồ hôi
Trái ngược với những người ra mồ hôi nhiều, có những người rất ít hoặc không đổ mồ hôi. Đây là hiện tượng tuyến mồ hôi tiết ra ít hoặc cơ thể không sinh ra mồ hôi. Nó có thể là triệu chứng của một số bệnh da liễu như vảy cá, khô da, xơ cứng bì... hoặc bị dị ứng thuốc (như các thuốc ngăn cản thần kinh giao cảm).
Đổ mồ hôi liên tục
Nếu bạn thường xuyên bị đổ mồ hôi thì đây có thể là dấu hiệu của chứng cường tuyến giáp hay tuyến giáp đang hoạt động quá mức. Bình thường, tuyến giáp sẽ sản sinh ra một loại hoóc-môn kiểm soát tốc độ cơ thể sử dụng năng lượng dự trữ cũng như độ nhạy cảm của nó trước các hoóc-môn khác. Khi có quá nhiều hoóc-môn tuyến giáp được sản sinh ra, hiện tượng này sẽ gây đổ mồ hôi liên tục bằng cách kích thích các tuyến mồ hôi.
Nếu bạn thường xuyên bị đổ mồ hôi thì đây có thể là dấu hiệu của chứng cường tuyến giáp (Ảnh minh họa: Internet)
Chứng cường tuyến giáp có thể dẫn tới việc giảm cân và tim đập nhanh. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng thuốc để làm giảm lượng hoóc-môn tuyến giáp.
Ngoài ra, nếu bản thân bạn vẫn toát mồ hôi nhiều khi trời lạnh hoặc khi không có yếu tố kích thích, đó có thể là biểu hiện của chứng tăng tiết mồ hôi, vốn ảnh hưởng tới khoảng 2 - 3% dân số toàn thế giới. Hội chứng này sẽ khiến đối tượng tăng tiết mồ hôi gấp 10 lần mức thông thường. Người mắc chứng tăng tiết mồ hôi được cho là có dư thừa tín hiệu thần kinh từ bộ não tới các tuyến mồ hôi.
Đổ mồ hôi ban đêm
Đổ mồ hôi ban đêm có thể do những giấc mơ, do các bệnh nhiểm khuẩn như lao hoặc do bị hạ đường huyết.
Đối với đàn ông, nếu đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, ngay cả khi thời tiết lạnh, còn có nguyên nhân là có thể họ đang sở hữu lượng testosterone thấp. Khi lượng testosterone ở trong cơ thể thấp, khu vực dưới đồi (hypothalamus) sẽ nhận các tín hiệu giả là cơ thể đang bị quá nóng, do đó dẫn đến hiện tượng toát mồ hôi như một cách làm mát cơ thể.
Ở phụ nữ, đổ mồ hôi ban đêm là một dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh. Hiện tượng đổ mồ hôi có thể trầm trọng hơn ngay trước khi hoặc trong kỳ kinh vì lúc này lượng oestrogen sụt giảm xuống mức thấp nhất.
Đổ mồ hôi ở lòng bàn chân, lòng bàn tay
Ra nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân gặp nhiều khi thời tiết lạnh, hoặc những lúc tâm trạng căng thẳng, lo lắng, xúc động… Theo y học cổ truyền, ra mồ hôi chân, tay là do phong thấp gây nên. Đây là tình trạng thoát dương khi ra ngoài, do đường dẫn khí ra các dây thần kinh ở tay, ở chân bị rối loạn hoặc tắc nghẽn. Còn theo quan niệm của tây y, ra mồ hôi tay, chân có nguyên nhân là do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể bị rối loạn.
Mồ hôi có mùi hôi
Dịch mồ hôi có mùi hôi, khai khó chịu, khi khô thì sẽ 'kết tinh' lại trên da là triệu chứng của người bị bệnh ure huyết.
Mùi hôi có mùi hôi là biểu hiện của bệnh ure huyết (Ảnh minh họa: Internet)
Mồ hôi thơm
Mồ hôi tiết ra có mùi thơm thoang thoảng thường thấy ở người bị tiểu đường khi có nhiễm độc axeton.
Mồ hôi màu vàng
Mồ hôi tiết ra có màu vàng là một trường hợp rất hiếm gặp. Mồ hôi có màu vàng thường do chất bilirubin trong máu quá nhiều. Mồ hôi màu vàng thường liên quan đến bệnh về gan, mật (ví dụ như viêm gan mãn tính, viêm túi mật hoặc xơ cứng gan). Ngoài ra có thể là do sự có mặt của các vi khuẩn sinh màu hoặc nếu bạn ăn quá nhiều hoa quả và rau có màu đỏ như quýt, cam, cà rốt… thì cũng có thể tạm thời xuất hiện tình trạng mồ hôi vàng.
Mồ hôi màu xanh
Dịch mồ hôi tiết ra có màu xanh lục là biểu hiện chứng tỏ dịch mật chảy ra ngoài, điển hình là bệnh viêm ống mật cấp tính.
Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng tiết mồ hôi bất thường như trên, bạn nên lập tức tới bệnh viện để khám, để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Thu Hoài
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!