BS Ngô Xương Đằng, khoa Nhi, bệnh viện Linkou Chang Gung Memorial Hospital, chia sẻ về trường hợp bé trai 5 tháng tuổi nôn liên tiếp 2 ngày, chán ăn, được mẹ đưa vào phòng cấp cứu.
Tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI), phát hiện bệnh nhi mắc bệnh não úng thủy nghiêm trọng. Ban đầu, bác sĩ hoài nghi có khối u trong não bệnh nhi, nhưng sau đó xác định là não úng thủy bẩm sinh. Sau khi tiến hành phẫu thuật chọc hút dịch não, tình trạng của bệnh nhi cơ bản đã ổn định.
BS Ngô Xương Đằng chia sẻ: 'Khi bệnh nhi được đưa vào phòng cấp cứu, vòng đầu của bệnh nhi gia tăng thấy rõ, điều này chứng minh tình trạng của bệnh nhi đã kéo dài hơn 1 tháng. Tuy bệnh nhi đã được chọc hút dịch não tủy, nhưng dịch não tủy đã gia tăng áp suất lên não bộ trong thời gian dài, e là sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động và sự phát triển của hệ thần kinh. Di chứng để lại có lẽ là chậm phát triển về ngôn ngữ, bệnh nhi cần phải tái khám và theo dõi sát sao về lâu dài'.
BS Ngô Xương Đằng cho biết, trẻ mắc bệnh não úng thủy là do dòng chảy của dịch não tủy bất thường tích tụ trong não. Đây là vấn đề thường gặp ở khoa ngoại thần kinh, nguyên nhân gây ra có thể do khối u, nhiễm trùng, dị tật não bẩm sinh. Giai đoạn trẻ sơ sinh, vòng đầu của bé phát triển nhanh có thể xem là đặc điểm của bệnh não úng thủy. Giai đoạn trẻ lớn hơn, vòng đầu của trẻ ít có sự thay đổi, nhưng có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu.
Trẻ mắc bệnh não úng thủy không được chữa trị kịp thời sẽ gia tăng áp suất não, gây ra tình trạng nôn ói, nóng nảy, chậm chạp trí tuệ, tim ngừng đập, thậm chí là đột tử.
Não úng thủy là gì?
Não úng thủy là tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy (CSF), khiến não và sọ sưng lên. Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não.
Dịch não tủy được hình thành chủ yếu trong hệ thống não thất do sự tiết của đám rối mạch mạc. Đám rối này nằm trong hai não thất bên, não thất ba và não thất bốn nhưng chủ yếu là trong hai não thất bên. Từ não thất, dịch não tủy sẽ di chuyển đến các bộ phận của hệ thần kinh.
Các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị não úng thủy
- Đầu bé sưng bất thường: Đây là dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất. Đường kính của đầu tăng theo từng ngày. Sọ sẽ mở rộng, căng phồng, mềm, có thể cảm nhận được khi sờ vào đầu. Ngoài ra, tình trạng này có thể khiến đầu bé trở nên hơi kỳ quặc và bất thường so với kích thước cơ thể.
- Tách xương sọ: Bạn có thể thấy các vết nứt xuất hiện ở các phần khác nhau. Đây là những đường nối xương sọ nằm bên dưới da.
- Mắt bé nhìn lệch xuống:Bé luôn nhìn xuống mà không di chuyển mắt nhiều.
- Chán ăn và nôn:Bé sẽ không chịu ăn uống. Nôn mửa trở nên phổ biến.
- Khó chịu và động kinh: Trẻ sơ sinh trở nên tức giận và thường xuyên bị động kinh.
Ngăn ngừa não úng thủy ở trẻ sơ sinh
Không có cách nào để ngăn ngừa chứng tràn dịch não mặc dù bệnh này được phát hiện khá sớm khi bé còn ở trong bụng mẹ. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm ra cách để ngăn ngừa và chữa trị bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể làm một số việc sau để giảm bớt rủi ro.
- Khám sức khỏe định kỳ trong thời gian mang thai:Không bao giờ bỏ lỡ buổi hẹn của bác sĩ khi bạn mang thai và theo sát lịch trình siêu âm. Phát hiện sớm sẽ khiến cho cơ hội sống của bé tăng lên.
- Tiêm chủng trong thời gian mang thai: Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh. Bảo vệ bản thân khỏi những căn bệnh thông thường để giảm các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
- Bảo vệ bé không bị chấn thương đầu: Loại bỏ những vật thể không an toàn khi bé tập bò, tập đi. Sử dụng nôi có lan can bảo vệ hoặc thanh chắn để ngăn không cho bé bị ngã. Khi đi du lịch bằng ô tô, sử dụng ghế an toàn dành cho trẻ em.
- Tiêm chủng cho trẻ:Bảo vệ bé khỏi bệnh tật có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não. Tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về lịch tiêm phòng và theo sát nó.
Theo Ettoday
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!