‘Tuyệt thực’ vì nhàm chán
Nhiều bà mẹ đã quá lo lắng khi con biếng ăn. Mẹ ra sức ép, ba cố làm trò, ông bà dẫn đi vòng vòng… chỉ là những ‘chiêu trò’, càng làm cho tình hình thêm không mấy khả quan. Bởi thời gian dành cho bữa ăn quá dài, bé trở thành ‘chuyên gia’ ngậm cơm. Để bé nuốt thức ăn, có người mẹ còn dùng ‘bạo lực’ nhịp nhịp roi, với ‘khẩu hiệu’ cùng âm thanh chua chát: 'Nuốt’. Có người sẵn lòng cho con ăn các món bé thích như: kem, bánh hoặc cho bé ăn theo yêu cầu như ăn mì gói, cơm không chan nước tương… Đây là sai lầm cần tránh vì những món này thừa năng lượng nhưng thiếu khoáng chất, sinh tố.
Sự thiếu hụt sinh tố, khoáng chất dẫn đến thiếu các men chuyển hóa chất bột đường, chất đường thay vì chuyển thành năng lượng để hoạt động hay tham gia vào xây dựng cơ thể thì lại chuyển thành mỡ. Lâu ngày sẽ làm trẻ thừa mỡ, tăng nguy cơ béo phì. Trong tình trạng này, bé dễ nhiễm bệnh; khi bị bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng thì có nguy cơ tử vong cao vì đề kháng kém.
Thực tế, sau một tuổi bé bắt đầu thích quan sát môi trường xung quanh. Vì vậy, bé rất thích trò chơi mới, vui nhộn. Trong khi đó, bữa ăn của bé quá nhàm chán, thường trong gia đình sẽ có một người đút bé ăn hoặc cho bé ăn trước. Ăn một mình, không có gì để thỏa mãn nhu cầu học hỏi, món ăn đơn điệu… làm bé chán. Bé phản đối bằng cách… tuyệt thực. Thay vì thay đổi để thỏa mãn nhu cầu của con, phụ huynh lại càng ép, khiến cho bé nhìn thức ăn như ‘kẻ thù’. Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: ‘Thật ra, trong y văn không có ‘bệnh biếng ăn’, nên chắc chắn là không có thuốc dùng để trị biếng ăn’.
Ảnh minh họa
Giúp bé ăn ngon
Bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết: ‘Ở lứa tuổi từ 3-5 tuổi, bé luôn muốn tự mình làm tất cả và sẵn sàng từ chối điều mình không thích. Vì vậy, muốn bé ngon miệng, cần thay đổi theo đúng nhu cầu của bé’. Theo bác sĩ Thủy, đầu tiên là giúp bé thích món ăn. Muốn vậy, món ăn cần trang trí màu sắc, hình ngộ nghĩnh… Ví dụ như chén súp bí đỏ trông chỉ có một màu cam thì hãy dùng sốt mayonnaise vẽ một vòng tròn, và thêm chấm làm mắt và nửa vầng trăng làm miệng đang cười. Còn chén cháo thì dùng sốt cà chua vẽ thêm hình ở góc. Có thể chế biến món ăn thành nhiều hình dạng (hình bông hoa, hình thú nuôi, hình vật dụng...) để bé tự lựa chọn. Ngay cả các loại thìa, muỗng… dùng để xúc ăn cũng cần đổi mới. Đôi khi, nên cho bé bốc tay, hoặc dùng dĩa ghim món ăn…
- Cho bé tự lựa chọn nguyên liệu để làm thức ăn.
- Ăn chung với người lớn, không khí ăn uống nhộn nhịp sẽ làm cho ‘tâm hồn ăn uống’ của bé ‘thức tỉnh’, bé sẽ ăn đua, sẽ làm tròn nhiệm vụ rất nhẹ nhàng. Nên cho bé tự do lựa chọn món. Thoạt đầu bé sẽ làm rơi vãi thức ăn… nhưng hãy coi chuyện này bình thường để bé yên tâm ăn hết suất.
- Khi cho bé ăn món mới, cần tạo sự bất ngờ, cất giấu đồ ăn để bé đi tìm, kích thích bé. Khi tìm được, mẹ sẽ ăn và rủ bé cùng ăn coi như là phần thưởng.
Thời gian mỗi bữa ăn nên khoảng 30 phút. Nếu bé ăn ít cơm, nên dùng các món cùng nhóm (bánh mì, bánh quy,…) bổ sung. Nếu ăn ít cá thì cho bé ăn thêm nhân bánh giò, giò lụa, sữa… Nên dùng thức ăn bổ sung ngay sau bữa chính hoặc không xa bữa chính quá một giờ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!