Bác sĩ nhi chỉ rõ có 1 sai lầm khi cho con ăn khiến trẻ biếng ăn mà bố mẹ không ngờ tới

Làm mẹ - 11/24/2024

Trẻ biếng ăn sẽ gây ra tình trạng bé kém hấp thu, suy dinh dưỡng hay tệ hơn là suy giảm hệ miễn dịch khiến bố mẹ hết sức lo lắng.

Một trong nỗi muộn phiền của bố mẹ nuôi con nhỏ đó là vấn đề con biếng ăn. Không phải ngẫu nhiên người ta thường ví việc cho con ăn là một 'cuộc chiến' bởi nhiều bé không chịu hợp tác khi đến giờ ăn, và có những giai đoạn tự nhiên bé biếng ăn mà không rõ lý do. Khi ấy, bố mẹ thường đưa con đi khám với mong muốn tìm ra nguyên nhân để trị thói biếng ăn của con, bởi nếu để lâu, nó sẽ khiến trẻ chậm phát triển. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, nhưng 1 trong những lý do bố mẹ ít nghĩ tới đó là do thói quen ăn đồ ăn lỏng, xay mịn quá lâu, không chuyển sang cho con ăn thô phù hợp với độ tuổi của con.

Ăn thô muộn - sai lầm trong ăn dặm

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, trong quá trình thăm khám cho trẻ em, bác sĩ đã gặp nhiều bé tới khám vì biếng ăn. Qua thăm khám và hỏi bố mẹ về thói quen ăn uống, bác sĩ Thảo nhận thấy quá nhiều sai lầm trong cách cho con ăn ở những bé biếng ăn này, một trong đó là ăn thô muộn. Có những đứa trẻ đã 3-5 tuổi rồi vẫn ăn cháo. Chúng không thể ăn thức ăn thô khác như cơm, thịt cá thì cắt nhỏ hoặc ăn nước rồi nhả bã hoặc buồn nôn.

Giải thích về cách cho trẻ ăn dặm, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo nói rõ: 'Khi bắt đầu ăn dặm thì cần làm thức ăn nhuyễn và lỏng để trẻ làm quen dần. Cấu trúc thức ăn sẽ thay đổi dần từ loãng sang đặc, lơn cợn và thô (như cơm chẳng hạn) theo độ tuổi của trẻ. Nhìn chung thì cấu trúc thức ăn phụ thuộc vào sự phát triển não bộ của trẻ hơn là do đã mọc răng hay không. Sau 1 tuổi trẻ nên được giới thiệu cấu trúc thức ăn thô hơn và riêng lẻ'.

Bác sĩ nhi chỉ rõ có 1 sai lầm khi cho con ăn khiến trẻ biếng ăn mà bố mẹ không ngờ tới

Việc cho trẻ ăn thô muộn, cụ thể là duy trì việc bé ăn cháo kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả trực tiếp là làm bé biếng ăn. Cụ thể, khi ăn cháo lâu dài, cơ nhai của bé sẽ kém phát triển (hầu như trẻ chỉ nuốt), nên khi ăn thức ăn cứng hơn (như cơm, thịt...) trẻ sẽ không quen nuốt dễ gây buồn nôn, lâu dần trẻ càng sợ ăn những món đó.

Hơn nữa, khi bố mẹ chế biến thức ăn là món cháo tổng hợp, trẻ sẽ không có cảm nhận về các món ăn khác nhau sẽ càng không hứng thú với ăn. Một số phụ huynh chọn giải pháp để khắc phục là dụ trẻ xem ti vi, điện thoại để đánh lừa trẻ, sai lầm lại tiếp sai lầm.

Nắm được nguyên tắc sau, việc ăn dặm sẽ rất dễ dàng

Hiện nay, có nhiều phương pháp ăn dặm phổ biến như BLW (Baby Led Weaning - ăn dặm tự chỉ huy), ăn kiểu Nhật, ăn truyền thống (đút thìa) hay kết hợp. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo 'Không có phương pháp nào là tốt nhất mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất với gia đình bạn mà thôi. Tại sao? Bởi vì văn hóa và hiểu biết người Việt rất khác nhau theo vùng miền và điều kiện kinh tế. Bạn là một gia đình sống độc lập, có thời gian chăm con khác với gia đình có nhiều thế hệ chung sống và cũng rất khác nếu bạn ở quê hay làm công nhân phải đi làm tối ngày và con phải nhờ ông bà hay giúp việc trông'.

Bác sĩ nhi chỉ rõ có 1 sai lầm khi cho con ăn khiến trẻ biếng ăn mà bố mẹ không ngờ tới

Nên tôn trọng, không ép con ăn nhưng cần giới thiệu cấu trúc thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con (Ảnh minh họa).

Một nhu cầu bản năng của con người đó là đòi ăn khi đói, đòi uống khi khát. Phụ huynh ghi nhớ điều đó sẽ thấy cho con ăn không phải là cuộc chiến nữa. Dù bố mẹ chọn phương pháp ăn dặm nào gì thì bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cũng lưu ý phụ huynh nên nắm được các nguyên tắc cơ bản sau sẽ thấy việc cho con ăn rất nhẹ nhàng:

1. Tôn trọng, không ép con ăn.

2. Bữa ăn cần đúng giờ.

3. Nên ngồi một chỗ khi ăn, không bế rong, không hãm ngửa để ăn.

4. Không vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại mà ngồi cùng, nói chuyện, chơi cùng con, giới thiệu về món ăn,... khích lệ con khi con hoàn thành bữa ăn.

5. Bữa ăn không quá 30 phút, dừng ăn ngay khi trẻ không muốn ăn.

6. Không ăn vặt trước bữa chính.

7. Đổi món và thay đổi cấu trúc ăn theo từng độ tuổi. Không nên chê món này món kia không ngon trước mặt con.

8. Nếu trẻ biết giao tiếp, nếu giới thiệu món mới nên ăn mẫu trước mặt trẻ thật hào hứng và gạ gẫm con thử từng chút một. Đừng vội kết luận trẻ không thích món đó nếu chúng không ăn, thử giới thiệu nhiều lần khác nhau.

9. Bữa ăn thành công phải là mẹ vui - con vui - cả nhà cùng vui.

'Nuôi con càng đơn giản càng nhàn!', bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo gửi lời nhắn nhủ tới các bố mẹ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!