Bác sĩ cho Ốc nhập viện ngay với chẩn đoán tiêu chảy do nhiễm khuẩn thức ăn. Vợ chồng anh Quyền nhìn nhau xót con lắm, mới có một tháng mà Ốc phải đi viện 2 lần. Bệnh viện đông, lại sợ con bị lây chéo thêm bệnh nhiễm khuẩn khác nữa, nên anh Quyền muốn xin cho Ốc điều trị ngoại trú, nhưng bác sĩ bảo không được vì Ốc cần được truyền để bù nước, điện giải và tiêm kháng sinh.
Nghe đến tiêm kháng sinh, Quyền cằn nhằn vợ chăm con không khéo, mới 2 tuổi mà cứ ốm đau suốt, hết bệnh này sang bệnh khác. Giờ lại cho con ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên Ốc bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, trong vòng một tháng mà Ốc phải dùng kháng sinh tới 2 đợt thì thằng bé chịu làm sao.
Chị Lan, mẹ của Ốc cứ bần thần nghĩ sao đi bệnh viện lại rắc rối thế, có tiêu chảy mà cứ phải tiêm kháng sinh, chứ như ở quê nhà chị thì chỉ cần ra hiệu thuốc mua cái viên loperamid về uống là cầm ngay.
Nghĩ vậy nên chị Lan chạy ra cổng viện mua ngay thuốc loperamid về cho con uống. Sau đó tiêu chảy thì cầm nhưng Ốc lại sốt cao hơn và ọc ạch khó chịu quấy khóc. Bác sĩ cũng rất ngạc nhiên vì triệu chứng này của bệnh nhân. Cuối cùng thì nguyên nhân đã được làm rõ: là do chị Lan đã tự ý cho con uống thuốc cầm tiêu chảy.
Thế là cả nhà Ốc lại phải “du lịch” tại bệnh viện thêm vài ngày nữa. Thật là tai hại. Mà loại thuốc này ở quê chị đã rất nhiều người sử dụng tốt và không bị làm sao, tại sao Ốc lại bị như vậy? Chị Lan thắc mắc.
Theo bác sĩ nhi khoa Hoàng Thị Cúc, khi trẻ bị đi ngoài do nhiễm khuẩn thức ăn thì việc dùng thuốc cầm tiêu chảy là có hại. Bởi trong trường hợp này, việc tống hết phân cùng vi khuẩn ra ngoài được càng nhiều và càng sớm càng tốt. Nếu dùng thuốc cầm tiêu chảy thì vi khuẩn sẽ được giữ lại trong đường ruột và có hại hơn vì gây ra những triệu chứng khó chịu như bé Ốc gặp phải. Thuốc cầm tiêu chảy chỉ được dùng khi bị tiêu chảy không phải do nhiễm khuẩn và cũng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!