Bé tập thể thao thế nào là vừa sức?

Gia đình và thai kỳ - 11/24/2024

Hello Bacsi - Bài viết giúp phụ huynh xác định bé tập thể thao quá sức hay không để điều chỉnh một chế độ lành mạnh cho trẻ phát triển.

Nhiều bố mẹ Việt tích cực cho con đi bơi, chơi bóng rổ… và nhiều môn thể thao khác với mong muốn cải thiện chiều cao ở tương lai sau này cho trẻ. Tuy nhiên, bạn nên làm gì khi cậu nhóc 10 tuổi nhà mình muốn nâng tạ? Hay là con gái của bạn mê chạy bộ hằng ngày bên cạnh việc tập luyện một môn thể thao đến rã rời? Nếu tập quá sức, trẻ có thể gặp nguy cơ gì?

Cường độ tập luyện như thế nào là an toàn cho con bạn?

Theo các chuyên gia, bạn phải dựa vào con mình thì mới có thể biết được bé có tập thể dục quá nhiều hay không. Trung bình, trẻ nên luyện tập khoảng 60 phút mỗi ngày. Sau đây là những lời khuyên giúp bạn hướng dẫn bé luyện tập an toàn hơn:

Để bé nghỉ ngơi

Trẻ em chơi những môn thể thao có tố chức cần nghỉ ít nhất một ngày một tuần và khoảng 2-3 tháng nghỉ luyện tập mỗi năm. Nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ, trẻ rất dễ bị kiệt sức. Trẻ sẽ vẫn năng động và làm những việc khác được nhưng sức lực và trí lực cần thời gian nghỉ ngơi sau những giờ luyện tập vất vả. Trẻ em trong độ tuổi đi học cần được ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày và thanh thiếu niên cần ngủ từ 8 tiếng rưỡi đến 9 tiếng.

Từ từ tăng chế độ tập luyện

Bạn không nên để con mình đẩy nhanh tốc độ luyện tập như tăng lượng thời gian, số lần tập hoặc khoảng cách giữa các lần tập nhiều hơn 10% một tuần. Bé có thể bị chấn thương nếu thực hiện như vậy. Các chấn thương do quá tải thường rất phổ biến ở trẻ em có chế độ tập nặng. Khi ép bản thân thân tập thể dục quá nhiều, bé sẽ có nguy cơ bị gãy chân vì sức nén, đau xương cẳng chân và một số vấn đề khác bởi vì xương đang phát triển của trẻ em không chịu được áp lực về thể chất như xương người lớn.

Cho bé tự do chọn lựa môn tập yêu thích

Con bạn không nhất thiết phải chơi những môn thể thao có tổ chức. Theo các chuyên gia, trẻ em cần có khoảng thời gian nô đùa thoải mái cùng với các bạn trong xóm.

Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ khi con xuất hiện dấu hiệu quá sức

Hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức nếu bé có vẻ như đang tập luyện quá nhiều, tăng cân hoặc thay đổi hành vi. Đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe khác. Luyện tập quá nhiều có liên hệ chặt chẽ với chứng rối loạn ăn uống và các vấn đề hình dáng cơ thể ở cả bé trai và bé gái.

Đối với các bé gái, tập luyện quá nhiều có thể làm thay đổi lượng hormone trong cơ thể. Bé có thể không dậy thì hoặc chu kỳ kinh nguyệt đến bất thường. Bên cạnh đó, bé sẽ có nguy cơ bị yếu xương cao hơn.

Những điều bố mẹ nên làm

Bạn nên theo dõi sát sao các huấn luyện viên. Huấn luyện viên chính là người truyền đạt giá trị của họ vào con bạn. Liệu họ có đang quan tâm đến thành tích mà bỏ qua sức khỏe của con bạn? Nếu đúng như vậy, đã đến lúc bạn phải can thiệp.

Ngoài ra, bạn cũng nên trò chuyện chân thành với con về mọi chuyện. Con bạn có thể ép bản thân luyện tập quá mức để làm hài lòng huấn luyện viên, bạn bè và thậm chí cả bố mẹ nữa. Trẻ có thể cảm thấy áp lực khi tập luyện nếu như trong thâm tâm không muốn làm như vậy. Hãy cởi mở với con và thay đổi hướng đi cho bé.

Đối với trẻ em, tập thể dục nên là một niềm vui trong cuộc sống. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con trên con đường phát triển lành mạnh của trẻ với tinh thần động viên và thấu hiểu nhé.

Bạn có thể tham khảo thêm:

  • Tập thể dục- Thói quen nhỏ, kết quả lớn
  • 4 lời khuyên cho chế độ ăn uống của trẻ vị thành niên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!