Bé trai Campuchia suy thận nặng chỉ vì gãy chân

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho một bé trai người Campuchia bị suy thận nặng sau cú ngã gãy chân.

Ngày 16/5, BS Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé trai Sok Ly Hua (6 tuổi, người Campuchia) nhập viện lúc 16h ngày 27/4 trong tình trạng phù toàn thân, vô niệu (không đi tiểu được), sưng bầm da đầu vùng đỉnh thái dương, huyết áp cao, lừ đừ, khó thở, rối loạn đông máu.

Bé trai Campuchia suy thận nặng chỉ vì gãy chân

Bé trai Campuchia đang được điều trị tại khoa Hồi sức ngoại

Trước khi nhập viện 5 ngày, bé bị ngã khi leo cây khiến gãy xương đùi, đã nhập viện tại Campuchia và được cố định bên ngoài. Sau khi cố định đùi, cẳng chân bé xuất hiện tình trạng chèn ép khoang và được bệnh viện Campuchia rạch để giải áp. Tuy nhiên, sau đó bé bắt đầu tiểu ít, không tiểu được và phù toàn thân, gia đình đã tự đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Qua kiểm tra cho thấy, các chỉ số về thận niệu của bé tăng rất cao như Creatinin tăng 416, CK (creatinin kinase) lên đến 47911 U/L. BS Tuấn cho biết, ông chưa từng thấy bệnh nhi nào có chỉ số CK cao đến như vậy. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị hủy cơ sau chấn thương do chèn ép khoang dẫn đến tắc nghẽn, hoại tử ống thận cấp gây suy thận cấp kèm đa chấn thương.

Ngay lập tức, bé được lọc máu liên tục 5 lần, sau 12 ngày điều trị, bé đã tỉnh táo hơn, giảm phù, bắt đầu đi tiểu được. BS Tuấn cho biết, bé đã qua được cơn cấp tính nguy hiểm, chức năng thận phục hồi khoảng 90%. Dự kiến bé sẽ điều trị thêm vài ngày để chức năng thận hoàn toàn phục hồi sau đó sẽ chuyển lên khoa Chấn thương chỉnh hình để mổ cố định phần xương đùi bị gãy.

Theo BS Tuấn, đây là trường hợp suy thận nặng và là một ca khó vì phải tiến hành lọc máu trong khi bé vẫn có vết thương hở đang chảy máu. Việc sử dụng thuốc chống đông khi lọc máu sẽ có nguy cơ khiến bé chảy máu nhiều hơn. Vì thế các bác sĩ đã rất cân nhắc về liều lượng thuốc khi điều trị cho bé.

ThS.BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân người Campuchia tự tìm đến, chủ yếu là các ca nặng.

Khó khăn lớn nhất khi điều trị là bất đồng ngôn ngữ, trao đổi giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân đều phải qua thông dịch viên, thêm vào đó, phần lớn các ca bệnh nặng đều có hoàn cảnh khó khăn. Phòng công tác xã hội của bệnh viện đã phải kêu gọi các mạnh thường quân trợ giúp, như trường hợp của bé trai 6 tuổi này, để có chi phí điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!