Bé trai chào đời nặng 5,2 kg, bác sĩ không khuyến khích mẹ bầu bồi bổ quá nhiều khiến thai to

Làm mẹ - 04/17/2024

Bác sĩ dự đoán trẻ sơ sinh sẽ nặng 4kg, tuy nhiên sau ca sinh mổ cả gia đình sản phụ và e kip mổ của BV Phụ sản Hà Nội đều ngạc nhiên khi đón bé trai khỏe mạnh, bụ bẫm và nặng đến… 5,2kg chào đời.

Thai phụ Nguyễn Thị T., 27 tuổi ở Hà Nội mang thai con đầu lòng, khám thai định kỳ tại BV Phụ sản Hà Nội. Trong nhiều lần siêu âm trước sinh, bác sĩ đánh giá thai nhi to trên 4 kg, chỉ định mổ lấy thai.

5h sáng ngày 12/8, chị T. đến BV Phụ sản Hà Nội để sinh mổ chủ động. Ca phẫu thuật bắt con diễn ra trong 30 phút, bé trai 5,2 kg chào đời trong sự ngỡ ngàng của cả ekip.

Hiện sức khoẻ 2 mẹ con sản phụ ổn định, trẻ hồng hào, bú tốt tuy nhiên vẫn đang phải theo dõi hạ đường huyết tại phòng sơ sinh.

Theo BS Diêm Thị Thanh Thuỷ, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội, mức cân nặng bình thường ở trẻ sơ sinh thường dao động từ 2,8 – 3,2 kg. Từ 4 kg, được đánh giá là thai to, bắt buộc phải chỉ định mổ lấy thai. Việc trẻ vừa chào đời có cân nặng trên 5 kg là rất hiếm, cân nặng này tương đương với trẻ 2-3 tháng tuổi.

“Tong suốt 26 năm làm nghề, sau lần chứng kiến 1 trường hợp trẻ sơ sinh nặng 5,3 kg, đây là lần thứ 2 tôi được chứng kiến trẻ nặng đến 5,2 kg ngay khi vừa chào đời”- BS Thủy cho hay

Bé trai chào đời nặng 5,2 kg, bác sĩ không khuyến khích mẹ bầu bồi bổ quá nhiều khiến thai to

Bé trai con của sản phụ T. vừa chào đời đã nặng 5,2 kg hiện đang khỏe, bú tốt

Theo các bác sĩ, những trường hợp thai nhi lớn, khi mổ bắt con, ngoài việc mẹ có nguy cơ đờ tử cung cao hơn, trẻ cũng có nguy cơ bị gãy xương đòn khi lấy thai, nhất là các trường hợp mẹ có khung chậu hẹp.

Đặc biệt, những trẻ này cũng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 rất sớm và dễ mắc các bệnh chuyển hoá hơn những đứa trẻ khác nên cha mẹ cần cho bé đi khám sức khoẻ thường xuyên để kịp thời xử lý khi phát hiện bất thường

Các bác sĩ sản khoa cho hay thường không khuyến khích các bà bầu bồi bổ quá nhiều để thai quá to. Những ca này hoàn toàn có nguy cơ chảy máu kể cả đẻ thường hay đẻ mổ. Vì thai to, tử cung giãn căng quá gây đờ tử cung, tử cung không thể co lại được, máu chảy. Mặc dù hiện nay có nhiều loại thuốc tốt , kỹ thuật mổ tốt nhưng có những trường hợp, tử cung vẫn đờ, vẫn chảy máu sẽ nguy hiểm cho thai phụ.

Được biết, đến nay, kỷ lục trẻ sơ sinh nặng nhất tại Việt Nam là bé trai Trần Tiến Quốc (con của vợ chồng chị Nguyễn Kim Liên và anh Trần Tiến Quân) nặng 7,1 kg ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, chào đời năm 2017 tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường.

Trước đó, ngày 9/10/2008, chị Hà Thị Nga, xã Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã sinh mổ ở Bệnh viện Đa khoa Gia Lai một bé gái có cân nặng gần 7 kg.

Ngày 26/11/2006, chị Võ Thị Hồng Phượng (SN 1974 trú tại Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã hạ sinh cháu Trần Ngọc Bảo Uyên (biệt hiệu Susu) với trọng lượng 6,5 kg

Ngày 17/9/2015, chị Trần Thị Bông (38 tuổi, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và sinh tại đây một bé trai nặng 6,5 kg

Ngày 25/2/2016 chị Nguyễn Thị T. (32 tuổi, Trực Ninh, Nam Định) đã hạ sinh bé trai nặng 6,1kg bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh Nam Định.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!