Bé nói với người lớn là bị 'con gì cắn vào chân' nhưng vẫn bình thường, không ai để ý. 12 giờ sau, bé than mệt, khó thở, chân sưng bầm nên được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Bình Thuận vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, rối loạn đông máu nặng, bàn chân trái sưng to, tím đen. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản thở máy, chống sốc, kháng sinh, rạch giải áp cẳng chân cứu lấy bàn chân. Kết quả hội chẩn xác định bé bị rắn hổ mèo cắn. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bàn chân trái sưng to, tím đen và rơi vào hôn mê (Ảnh: BS Trương Anh Mậu)
Trước đó một bé gái 13 tuổi sống ở An Giang đã tử vong sau 7 ngày bị rắn cắn do không nhập viện mà người lớn nhai lá cây đắp vết thương. Khi vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), bệnh nhi rơi vào tình trạng suy đa cơ quan, trụy tim mạch do độc chất đã ngấm quá lâu vào cơ thể.
Hàng năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tiếp nhận tổng cộng khoảng 30-40 trẻ bị rắn độc cắn. Bác sĩ Trương Anh Mậu, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong 12 giờ đầu. Sau 24 - 48 giờ bị rắn cắn, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!