Bệnh đáng sợ từ món tiết canh lòng lợn khoái khẩu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Thời gian qua, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh liên khuẩn cầu lợn.

Chỉ trong 3 ngày đầu tháng 7 (3-5/7), đã có 5 bệnh nhân mắc liên khuẩn cầu nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, suy đa phủ tạng, hôn mê và hoại tử nặng nề các đầu chi. Trong đó, 2 trường hợp đã tử vong do bệnh quá nặng.

Liên cầu khuẩn là loại bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra ở người và các động vật máu nóng, đặc biệt phổ biến ở lợn. Bệnh thường tăng mạnh trong mùa hè nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị.

Biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn

Bệnh liên cầu khuẩn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh thường có các biểu hiện sau đây:

Bệnh đáng sợ từ món tiết canh lòng lợn khoái khẩu

Hình ảnh đáng sợ về bệnh liên cầu khuẩn lợn

- Biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (cơ thể lạnh, tay chân run, sốt trên 39oC), đầu đau dữ dội, hôn mê sau đó sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất hiện hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, lốm đốm).

- Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não với các biểu hiện như nhức đầu, buồn nôn, cứng cổ, sốt cao, viêm phổi, suy đa phủ tạng.

- Ngoài ra, có thể có biểu hiện nhiễm trùng huyết như sốt cao, da xanh, phờ phạc, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da...

- Đặc biệt, người bị nhiễm liên cầu khuẩn thường có biểu hiện giống với nhiều bệnh khác như sốt xuất huyết, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết..., nên dễ gây chẩn đoán nhầm, dẫn đến bệnh nhân không được điều trị đúng và kịp thời.

Mức độ nguy hiểm của bệnh

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn thường có biểu hiện bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết hoặc kết hợp cả hai.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gần 70% số ca viêm màng não mủ trong năm 2014 nguyên nhân là do liên cầu khuẩn lợn gây ra.

Bệnh đáng sợ từ món tiết canh lòng lợn khoái khẩu

Tiết canh chế biến bẩn là nguyên nhân chính gây ra bệnh liên cầu khuẩn lợn

Bệnh diễn biến rất nhanh. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ cho đến 3 ngày. Nếu được phát hiện sớm, có thể cứu chữa được nhưng nếu phát hiện muộn bệnh nhân có thể bị phù não, để lại các di chứng đáng lo ngại như điếc hoàn toàn, động kinh và thậm chí có thể tử vong. Bệnh rất nguy hiểm vì diễn biến nhanh, chỉ trong vòng 12-24 giờ đã có thể trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân bị sốc, suy đa phủ tạng do nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân khi bị suy đa phủ tạng thì tỷ lệ tử vong chiếm 45%- 50%.

Thông thường, bệnh nhân khi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn biểu hiện viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất 2 - 3 tuần. Còn những người bị nhiễm khuẩn huyết, thời gian điều trị đến 2 tháng, tốn kém nhiều chi phí. Đặc biệt, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn khi đã được điều trị khỏi vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm.

Các đường lây nhiễm

Bệnh liên cầu khuẩn lây lan sang người theo một trong các cách sau:

Qua đường ăn uống

Khi ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, dồi, nem chua, cháo lòng từ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua ăn uống và gây bệnh. Trong đó, tiết canh là loại thức ăn chính lây bệnh liên cầu khuẩn lợn sang người. Ở Việt Nam, có trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, cháo lòng cũng là con đường truyền bệnh sau tiết canh.

Tiếp xúc, giết mổ, chăm sóc

- Những người có các vết thương hở ngoài da, tiếp xúc với máu, dịch tiết từ lợn bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt lợn bệnh.

- Những người nội trợ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc khi chế biến thịt lợn và các sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh.

- Người cũng có thể bị bệnh qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí phát sinh từ lợn bệnh.

- Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, ruồi cũng có thể là vật trung gian truyền bệnh. Khi ruồi đậu vào phân, thịt lợn có liên cầu khuẩn, sau đó đậu vào các vết trầy xước ngoài da có thể gây bệnh cho người.

Bệnh đáng sợ từ món tiết canh lòng lợn khoái khẩu

Không giết mổ, ăn thịt lợn bệnh, lợn chết để phòng tránh nhiễm bệnh

Biện pháp phòng tránh

Vì vậy, để phòng chống bệnh, người dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp như sau:

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, nội tạng lợn. Ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên khuẩn cầu ở người.

- Lựa chọn thịt lợn tươi ngon, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Khi chế biến, cần đeo găng tay và rửa tay bằng xà phòng sau khi chế biến.

- Người chăn nuôi, tiếp xúc với lợn cần trang bị bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân, rửa tay chân sau khi tiếp xúc. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tẩy trùng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.

- Người có vết thương hở, bệnh ngoài da không nên tiếp xúc, giết mổ lợn.

Khi phát hiện người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc chế biến sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: Liên tiếp các vụ nguy kịch vì ăn tiết canh

Ảnh minh họa: Internet

Mai Hồ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!