Thay đổi sinh lý của tuyến giáp
Khi mang thai, thể tích tuyến giáp tăng tới 10% ở những vùng có đủ iod và lên đến 40% ở những vùng thiếu iod. Sự thay đổi này có liên quan đến sự gia tăng tổng hợp hormone tuyến giáp khoảng 50%; nguyên nhân là do yếu tố như thai hoàn toàn phụ thuộc vào hormone tuyến giáp của mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai tiết ra một loại men làm tăng thoái giáng hormone giáp, tăng thải iod qua thận… Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể nồng độ hCG trong thai kỳ làm tăng tổng hợp hormone tuyến giáp.
Những thay đổi này cùng với sự gia tăng nhu cầu hormone giáp trong lúc mang thai có thể dẫn đến những rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ.
Một đặc điểm khác là thai kỳ làm tăng khả năng miễn dịch, do đó bệnh tự miễn thường giảm nhẹ khi mang thai và nồng độ tự kháng thể có thể giảm. Sau khi sinh, khả năng miễn dịch này giảm đáng kể và xáo trộn sau sinh của các bệnh tuyến giáp tự miễn có thể xảy ra.
Bổ sung iod trong thai kỳ
Phụ nữ thường tăng nhu cầu iod trong thời kỳ mang thai và cho con bú do tăng sản xuất hormone tuyến giáp, tăng thải iod qua thận, cũng như nhu cầu iod của thai nhi. Do đó, trong thời kỳ mang thai cần tăng cường bổ sung iod. Theo khuyến cáo của Hội tuyến giáp Mỹ, tất cả phụ nữ mang thai cần phải bổ sung 250mcg iod mỗi ngày.
Cũng theo các chuyên gia, hiện tại chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo nên hay không nên tầm soát chức năng tuyến giáp cho tất cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các thai phụ có nguy cơ cao nên tầm soát chức năng tuyến giáp trong thai kỳ:
- Có tiền sử cường giáp/suy giáp hay có triệu chứng gợi ý cường giáp/suy giáp.
- Có bướu giáp hay có kháng thể kháng tuyến giáp.
- Có tiền sử phẫu thuật tuyến giáp hay xạ trị vùng cổ.
- Tuổi >30.
- Đái tháo đường type I hay có bệnh lý tự miễn khác.
- Tiền sử sảy thai, sinh non hay vô sinh.
- Đa thai trước đó.
- Tiền sử gia đình có bệnh lý tuyến giáp tự miễn hay rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Béo phì.
- Điều trị amiodarone hay lithium, hay dùng thuốc cản quang có chứa iod gần đây.
- Ở trong vùng dịch tễ thiếu hụt iod.
Bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ
Suy giáp
Triệu chứng của suy giáp thường mơ hồ, dễ nhầm với các triệu chứng thường gặp khi mang thai.
Ví dụ:
- Tóc: rụng tóc, tóc khô, dễ gãy.
- Phù: phù quanh mắt, phù mặt, phù chân.
- Tuyến giáp to ra, nhỏ lại hay bình thường.
- Suy tim (chậm nhịp tim).
- Táo bón.
- Không chịu được lạnh.
- Yếu cơ.
- Giảm mật độ xương (loãng xương).
Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm tuyến giáp tự miễn (hay còn gọi là viêm giáp hashimoto), sau phẫu thuật cắt tuyến giáp…
Suy giáp có thể gây hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Tuyến giáp của thai nhi chỉ bắt đầu hoạt động từ tuần 10 - 12 của thai kỳ nên trước thời điểm này, thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào nồng độ hormone giáp của mẹ. Mẹ bị suy giáp làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai, tiền sản giật, cân nặng lúc sinh thấp và làm trẻ chậm phát triển thần kinh, vận động.
Cường giáp
Cường giáp trong thai kỳ gặp khoảng 0,1 - 0,4%, làm tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng sinh non, tăng nguy cơ sảy thai và cân nặng lúc sinh thấp. Nguyên nhân thường gặp nhất của cường giáp trong thai kỳ là bệnh Basedow hay bệnh Graves, ít gặp hơn là nhân độc tuyến giáp.
Triệu chứng:
- Tóc mỏng.
- Lồi mắt.
- Tuyến giáp bình thường hay to: lan tỏa, một nhân hay nhiều nhân.
- Suy tim (nhịp tim nhanh).
- Sụt cân.
- Tiêu chảy.
- Da ấm, lòng bàn tay mịn, đổ mồ hôi.
- Tăng phản xạ.
- Phù niêm trước xương chày.
Cường giáp nếu không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ tiền sản giật, nhau bong non, sinh non, thai lưu, thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Do đó, để có kết cục tốt cho cả mẹ và con, thai phụ cần đi khám thai sớm để được chẩn đoán chính xác các rối loạn tuyến giáp nếu có và điều trị sớm, làm giảm các nguy cơ như sảy thai, sinh non, tiền sản giật và tử vong sơ sinh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!