TS.BS Hoàng Đình Chân – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho hay, ung thư trực tràng cũng như các căn bệnh ung thư khác, tùy theo giai đoạn của bệnh sẽ quyết định hướng điều trị.
Trong đó, phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm và giai đoạn đầu. Lúc này, khi khối u còn khu trú ở bề mặt thì có thể cắt bỏ được, kết quả mổ sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, với trường hợp nhạc sĩ Trần Lập, khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn 3/4 - khối u không còn khu trú ở trong niêm mạc ruột mà đã thâm nhiễm ra xung quanh. Lúc này, anh vẫn được chỉ định phẫu thuật cùng với kết hợp xạ trị hoặc hóa chất. Đây là hướng điều trị hợp lý.
Trần Lập chia sẻ hình ảnh và gửi lời chào tới người hâm mộ sau ca mổ ngày 6/11. Ảnh: FBNV
Mục đích xạ trị là để trị các hạch xung quanh, làm các khối u đã cắt đi không tái phát. Sau đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục kết hợp điều trị hóa chất.
'Với ung thư đại trực tràng, vẫn có thể chỉ định phẫu thuật, kể cả giai đoạn muộn, nhưng đây không phải là phẫu thuật triệt căn mà chỉ là phẫu thuật tạm thời với mục đích nhằm lưu thông những đoạn ruột đã tắc, hạn chế những biến chứng như khối u ăn xung quanh gây dính, tắc ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải được điều trị với phác đồ hóa chất hàng ngày', TS Chân cho hay.
Sau khi phát hiện ung thư đại trực tràng, nhạc sĩ Trần Lập ra đi chỉ sau 4 tháng. Giải thích điều này, tiến sĩ Hoàng Đình Chân cho biết, nguyên nhân bởi anh được phẫu thuật quá muộn. 'Bản thân ở đại trực tràng, độ ác tính rất lớn. Với những người còn trẻ, độ ác tính càng cao. Khi được phẫu thuật, khối u của Trần Lập không còn khu trú tại chỗ, dù được xạ trị để giảm tái phát đồng thời điều trị triệt căn, nhưng cơ hội không nhiều. Hơn nữa, lúc này mức độ chịu đựng của hóa chất của bệnh nhân cũng không đủ sức', TS Chân giải thích.
Chuyên gia này lo ngại, hiện rất nhiều bệnh nhân ung thư chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng, đồng nghĩa với việc khả năng sống chỉ tính theo tháng, thậm chí theo ngày.
Nguyên nhân dẫn tới điều này là do quá trình phát triển từ một tế bào duy nhất thành một khối ung thư trải qua nhiều giai đoạn. Tế bào ung thư thường phát triển từ một tế bào ban đầu và phải mất nhiều năm cho tới khi có một kích thước đủ lớn để có thể nhận thấy được.
'Để phát hiện sớm và tiên lượng bệnh tốt, phương pháp tốt nhất là soi đại tràng toàn bộ, đặc biệt đối với người có nguy cơ cao với bệnh', tiến sĩ Chân khuyến cáo.
Tác dụng phụ khi điều trị ung thư
Theo một điều dưỡng tại Bệnh viện Việt Đức, trước khi mất, nhạc sĩ Trần Lập phải nằm điều trị tại bệnh viện hơn 10 ngày. Cách đây 3 ngày, anh được chuyển xuống Hồi sức 1 để tiện chăm sóc, nhưng chỉ 2 hôm rồi về nhà. 'Hai hôm cuối anh ấy đau đớn lắm' - điều dưỡng này chia sẻ.
Theo đó, căn bệnh ung thư đại trực tràng của Trần Lập đã bị nhiễm trùng vào đường máu, cơ quan nội tạng mất chức năng kiểm soát. Trước đó, sức khỏe của anh có tiến triển sau ca phẫu thuật ngày 6/11/2015.
Sau ca phẫu thuật, anh bị nổi hạch và phải ngồi xe lăn. Anh cũng phải chạy thận và phải thở bằng máy.
Về điều này, tiến sĩ Hoàng Đình Chân cho hay, khi khối u đã di căn sang các hạch, bệnh nhân sẽ gặp đau đớn. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp nhiều biến chứng khác như bị tắc nghẽn đường ruột, thủng đường ruột, xuất huyết… Khối u không ngừng phát triển, khi đã to gây nên hẹp đường ruột, dẫn đến sưng ruột, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc máu…
Ngày 4/11/2015, nhạc sĩ Trần Lập phát hiện mắc bệnh ung thư đại trực tràng sau khi đến khám tại Bệnh viện Việt Đức. Khi được phát hiện, căn bệnh đã chuyển nặng, bước sang giai đoạn 3/4 và anh cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Anh quyết định phẫu thuật vào ngày 6/11 và chính thức bước vào cuộc chiến sinh tử của mình.
Trước khi ra đi, Trần Lập đã kịp làm được nhiều việc có ích cho đời. Anh đã trích số tiền được ủng hộ hỗ trợ từ Liveshow 'Bức Tường - Đôi Bàn Tay Thắp Lửa' cho bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và bệnh nặng. Anh đã trao tiền cho 10 trường hợp bệnh nhi tại Bệnh viện K3 Tân Triều, mỗi suất quà là 10 triệu đồng.
12h45 ngày 17/3, anh mãi ra đi sau 4 tháng kiên cường chiến đấu.
Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến Phẫu thuật: là dùng phương pháp mổ cắt bổ khối ung thư nên chỉ có giá trị triệt để khi khối ung thư ở giai đoạn đầu, còn khu trú, còn nếu khối ung thư đã di căn phẫu trị chỉ có hiệu lực tạm thời, không có hiệu lực hoặc thậm chí còn kích thích sự di căn và phát triển của khối ung thư. Lúc này cần phải kết hợp các biện pháp toàn thân như dùng thuốc, xạ trị, hóa trị… Xạ trị: có thể tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách giết các tế bào đó và làm tổn thương các mạch máu tới nuôi chúng. Xạ trị không dùng được khi ung thư đã lan ra toàn thân. Hóa trị liệu: Là dùng hóa chất thích hợp truyền vào cơ thể để tiêu diệt một loại tế bào ung thư nào đó, thường được dùng trong các trường hợp phẫu trị và xạ trị không hiệu quả như ung thư đã lan tỏa toàn thân, ung thư máu, ung thư hạch... Sinh trị liệu: Là biện pháp kích thích khả năng đề kháng tự nhiên của con người chống lại ung thư, hoặc dùng các sinh chất của con người chữa ung thư TS.BS Hoàng Đình Chân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!