Bệnh răng miệng ở người mắc đái tháo đường

Cần biết - 11/24/2024

Tôi mới phát hiện mình bị đái tháo đường, nghe nói sau một thời gian mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh rất dễ bị rụng răng.

Xin hỏi nguyên nhân vì sao và cách bảo vệ như thế nào?

(lehoainam@yahoo.com.vn)

Người bị đái tháo đường có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe răng miệng cao hơn, do dễ bị nhiễm khuẩn và giảm khả năng đề kháng vi khuẩn tấn công vào nướu. Biến chứng răng miệng do ĐTĐ là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đường máu cao ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bệnh đái tháo đường làm mạch máu bị tổn thương, chít hẹp, khiến cho dòng máu đến nuôi dưỡng nướu răng bị suy giảm, nên người ĐTĐ dễ bị nhiễm trùng răng lợi (giai đoạn đầu của bệnh nướu răng) và bệnh nha chu (viêm nướu răng nghiêm trọng). Một nguyên nhân nữa là ở Việt Nam, người bình thường cũng như người bệnh đái tháo đường chưa thực sự quan tâm chăm sóc răng miệng một cách thích đáng. Viêm nhiễm răng lợi là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng đường máu. Một số tổn thương răng - miệng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường là viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu răng, cao răng. Muốn bảo vệ răng miệng cần phải: Đánh răng kỹ sau mỗi bữa ăn kể cả khi viêm lợi chảy máu. Nguyên tắc 3 x 3 = đánh răng 3 lần/ngày, mỗi lần 3 phút. Khám bác sĩ răng thường xuyên 1 - 2 lần/năm, ngay cả khi không có biểu hiện gì. Khám bác sĩ răng khi đường máu tăng cao không rõ lý do (nhiễm trùng răng kín đáo). Khi không ăn được thức ăn rắn vì đau răng phải ăn thay bằng thức ăn lỏng để tránh hạ đường huyết. Khi đau răng cần phải xét nghiệm thường xuyên đường máu, đường niệu ceton niệu. Nếu cần nhổ răng nên nhổ vào sáng sớm để ít làm ảnh hưởng đến điều trị thường ngày.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!