Bệnh sởi đang xuất hiện ở người lớn: Đối phó thế nào?

Cần biết - 04/29/2024

Sau nhiều năm vắng bóng, nay bệnh sởi lại xuất hiện và có nguy cơ lan rộng. Đặc biệt, gần đây, số người lớn mắc sởi đang có xu hướng tăng đột biến, nguy hiểm nhất là ở phụ nữ có thai rất dễ gây biến chứng nặng.

Xuất hiện bất thường bệnh sởi ở người lớn

Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc sởi ở người lớn đang có xu hướng gia tăng, điển hình là tại Bệnh viện Bạch Mai có tới hơn 10 trường hợp/tháng.

Riêng tại Khoa Truyền nhiễm, từ năm 2018 đến nay đã điều trị cho khoảng 50 trường hợp người lớn mắc sởi; đặc biệt 3 tháng trở lại đây, số bệnh nhân người lớn nhập viện do sởi có xu hướng tăng lên, trong đó, một số bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng (hiện tại, có 6 trường hợp người lớn mắc sởi có biến chứng, trong đó có một số phụ nữ đang mang thai).

Hầu hết bệnh nhân mắc sởi đều chưa được tiêm phòng, nhất là những phụ nữ mang thai không chủ động tiêm phòng sởi trước khi có thai.

Theo các nhà chuyên môn, nguy hiểm nhất là nhiều người không biết mình bị mắc sởi, thậm chí có những trường hợp đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc hoặc sốt phát ban hoặc Rubella...

Nhiều người cũng cho rằng đây là bệnh của trẻ con và người lớn không mắc sởi nên không có các biện pháp phòng bệnh. Bệnh sởi ở người lớn sẽ gặp phải rắc rối hơn nhiều nếu khi những bệnh nhân đang bị viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc phụ nữ có thai dễ bị biến chứng nặng hơn.

Bệnh sởi đang xuất hiện ở người lớn: Đối phó thế nào?

Bệnh nhân điều trị sởi tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đặc điểm của bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây, thường gặp ở người chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch yếu chống bệnh sởi.

Có khoảng 90% số trẻ hoặc người lớn (chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch yếu) khi tiếp xúc với người mắc sởi sẽ bị lây bệnh.

Virut sởi có thể theo đường hô hấp do không khí, trong đó có các giọt nước bọt người bệnh bắn ra ngoài truyền trực tiếp cho người khác trong phạm vi bán kính 1,2m mỗi khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc theo những giọt nước bọt, hơi thở nhỏ li ti treo lơ lửng trong không khí, sau đó xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trẻ khác gây bệnh.

Bệnh sởi lành tính, có thể tự khỏi (90-95%), ít gây tử vong nhưng nguy hiểm nhất là gây biến chứng (viêm tai giữa, viêm phế quản - phổi, viêm thanh quản, viêm cơ tim, viêm miệng hoại tử, khô loét giác mạc do thiếu vitamin A, viêm não...), đặc biệt là phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sẩy thai hoặc đẻ non.

Nguy cơ bùng phát dịch sau Tết

Theo đánh giá của chuyên gia, trong những tuần đầu tiên của năm 2019, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ dịch sởi bùng phát theo chu kỳ 4 - 5 năm (đợt dịch bùng phát cao điểm trước là năm 2014) là có thể xảy ra.

Trong khi đó, bệnh sởi cũng như nhiều bệnh do virut dễ phát triển trong giai đoạn trước và sau Tết vì thời tiết rất thuận lợi cho chúng phát triển, nhất là đầu năm 2019 cũng là thời điểm nằm trong chu kỳ dịch sởi nên không loại trừ nguy cơ bệnh có thể lây lan rộng.

Vì vậy, không chỉ với trẻ em, cả người lớn nếu chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có thể có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với các nguồn lây. Đặc biệt ở người lớn, phụ nữ dễ mắc sởi hơn nam giới, chủ yếu phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 40 tuổi.

Nguyên tắc điều trị và dự phòng

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu bệnh sởi mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Việc chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng là công việc rất cần thiết.

Cần chăm sóc trẻ chu đáo, cần cho trẻ nằm trong buồng thoáng khí, sáng, không nên kiêng khem quá mức và nên bỏ tập tục kiêng nước, kiêng gió. Hằng ngày, vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da (rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm).

Nên thường xuyên lau miệng bằng khăn ướt, sạch, mềm. Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối sinh lý có bán ở hiệu thuốc hoặc tự pha (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mũi, mắt cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý ngày 3 - 4 lần.

Không dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh mà chỉ nên dùng vitamin B1, C và uống nước quả tươi (cam, chanh).

Khi trẻ sốt có thể lau mát, nếu không đỡ thì dùng paracetamol đơn chất, liều dùng 10mg/1kg cân nặng. Trong những ngày trẻ sốt cao thì nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước quả, dung dịch orezol (ORS).

Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú mẹ nhiều hơn (cả về số lần và cả về số lượng).

Để phòng bệnh sởi, hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được tiêm chủng vắc-xin sởi đầy đủ. Với trẻ em, tiêm mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Với những bệnh nhân đang mắc bệnh sởi, cần được cách ly (trẻ em cần nghỉ học không đến lớp) và cần đeo khẩu trang y tế để bệnh không lây lan ra cộng đồng. Với người lành, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân, khi tiếp xúc cần đeo khẩu trang.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!