Viện Da liễu TƯ thông báo, từ 1.5 đến 15.7 năm nay ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, có 37 bé trai mắc bệnh sùi mào gà. Ngày 17.7, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Hưng Yên xác định nguồn lây nhiễm.
Từ 1.5 đến 15.7, trong 1.500 bệnh nhân khám, điều trị sùi mào gà tại Viện Da liễu TƯ có 59 trẻ dưới 15 tuổi, nhưng riêng huyện Khoái Châu, Hưng Yên có 37 cháu. Viện khai thác tiền sử thấy, 37 cháu này đã chữa chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư không phép ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu.
Các chuyên gia cho rằng nhiều trẻ mắc bệnh sùi mào gà ở cùng một phòng khám thì khả năng nhiều nhất là dụng cụ không đảm bảo vệ sinh. Viện Da liễu TƯ có trách nhiệm cung cấp 37 bệnh án của các bệnh nhi để Sở Y tế Hưng Yên xác định nguồn lây nhiễm và báo cáo kết quả về Cục quản lý khám và điều trị bệnh, Bộ Y tế chậm nhất vào ngày 28.7 là nội dung yêu cầu của Bộ Y tế... Được biết, chủ cơ sở y tế tư nhân không phép này là y sĩ Hoàng Thị Hiền...
Gây bệnh sùi mào gà là virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus - HPV), virus này còn gây ung thư âm hộ, âm đạo, trực tràng, dương vật, vòm họng... và 99,7% những người ung thư cổ tử cung tìm thấy ADN của HPV. Tuy nhiên, người dân rất mơ hồ về loại virus này.
Các ca bệnh đa dạng, đường lây truyền đa dạng
Sau hơn một năm yêu nhau, Lan và Trung, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội đã bước qua lằn ranh đỏ. Cả hai cùng tin tưởng nhau không nhiễm HIV, không có bệnh hoa liễu nên không sử dụng bao caosu mà do Trung chủ động... tránh thai,... Gần đây, Lan thấy ở bộ phận sinh dục ngoài nổi mụn, nhể thấy chảy máu mà không đau. Chưa nghe nói về HPV và không dám nói với ai vì xấu hổ nên cô theo dõi..., thấy mụn mọc nhiều hơn làm cô bắt đầu lo sợ.
Tìm đọc trên mạng thì thấy biểu hiện của mình giống bệnh sùi mào gà. Thổ lộ với Trung thì cậu này khăng khăng không phải, vì cho rằng nếu thế thì cậu ấy cũng bị, nhưng cậu không có biểu hiện gì và rồi cả hai đều không đi khám. Khi mụn mọc dày và diện rộng hơn, hai bạn buộc phải đến Viện Da liễu TƯ thì bác sĩ chẩn đoán Lan bị sùi mào gà kèm theo niêm mạc hở. Kết quả xét nghiệm máu xác nhận cả hai đều dương tính với HPV. Lan quá lo sợ đã khóc, cô nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh từ Trung. Tuy nhiên, cậu này vẫn khăng khăng đến giờ chưa bị sùi mào gà và không có quan hệ tình dục với ai ngoài Lan!?
Bạn M.L, 27 tuổi, thấy rất khó hiểu khi chưa từng quan hệ tình dục hay có bất kỳ đụng chạm thể xác dưới bất kỳ hình thức nào nhưng bị sùi mào gà. Tự nhiên thấy ngứa nhiều nơi vùng kín về tối và sáng, M.L đã tích cực vệ sinh bên ngoài với dung dịch vệ sinh phụ nữ nhưng sau nửa tháng, tình trạng không cải thiện. Tự kiểm tra thấy những mụn tròn nhỏ ở mu và hai môi lớn mà cô mô tả là trông rất sợ. Tra cứu trên mạng biết được đây là biểu hiện của bệnh sùi mào gà nên cô rất hoang mang, không hiểu được lây nhiễm từ đâu?...
Đã xác định được HPV không lây truyền qua tinh dịch hay các dịch tiết của cơ thể, mà qua đường tiếp xúc da và niêm mạc: Giao hợp (cả đường hậu môn); oral sex; tay - sinh dục. Dùng bao cao su có thể giảm tối đa nguy cơ nghĩa là không hoàn toàn chắc chắn. Nguồn lây nhiễm tiềm tàng lớn là những người không biết mình mang mầm bệnh, vô tình làm người khác lây nhiễm. Lây nhiễm ở trẻ em thường từ tổn thương do HPV gây ra ở niêm mạc hoặc da người chăm sóc trực tiếp; do bị lạm dụng tình dục; từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục khi sinh; từ khăn, đồ lót... bị nhiễm HPV rất ít khả năng.
HPV dễ bị diệt nhưng lại gây ung thư
Cho đến nay đã phát hiện được HPV - một loại virus ADN có hơn 130 nhóm (type). Gây sùi mào gà ở người lớn do hai nhóm HPV6 và HPV11. Nghiên cứu trên 200 trẻ em sùi mào gà năm 2010 thấy 56% là do hai nhóm này gây bệnh, các nhóm HPV 1, 2, 3, 4 chỉ có 12% gây bệnh, còn lại là do những nhóm khác... Khoảng 50 - 80% số người bắt đầu đời sống tình dục có khả năng nhiễm HPV sau vài năm và nguy cơ nhiễm tăng theo số bạn tình.
Trong cơ thể, virus nhân bản thành lượng lớn trong các tế bào tiết nhầy của da và niêm mạc (mặt trong của nhiều bộ phận như miệng, cổ tử cung, ruột...), làm cho tế bào bị phân chia và quá sản nhanh chóng, hình thành các nốt sùi đặc trưng của bệnh sùi mào gà (mồng gà, mụn cóc) và không ngừng lan rộng cùng với mức độ sinh sôi của virus.
Từ khi nhiễm đến khi “sùi” (gọi là thời kỳ ủ bệnh) từ 3 tuần đến 8 tháng, cá biệt đến một năm hoặc hơn... Bệnh phát khi thấy những nốt sẩn mềm kích thước từ một vài mm trở lên, màu hồng, đỏ đôi khi nâu. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể lan rộng thành mảng sùi lớn gọi là sùi hoa lơ. Thường thấy ở bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo; quanh hậu môn, niêm mạc trực tràng; đầu dương vật và bao quy đầu; màng trinh và quanh lỗ niệu đạo của trẻ; môi và trong miệng; trên da. Sẩn không đau, ít khi ngứa hoặc chảy máu. Ước tính hiện thế giới có khoảng 630 triệu người nhiễm HPV.
Trong vòng 1 - 2 năm, phần lớn người nhiễm có khả năng tạo miễn dịch diệt đến 90 - 91% HPV và chỉ diệt được các nhóm có nguy cơ thấp (ví dụ 6, 11, 40, 42..., không có khả năng gây ung thư). Khoảng 9% - 10% người nhiễm các nhóm có nguy cơ cao lại không tự diệt được chúng (14 nhóm có khả năng gây ung thư như 16, 18, 31, 33...).
Sau vài năm, HPV nguy cơ cao sẽ gây ra biến đổi bất thường niêm mạc cổ tử cung (và một số nơi khác), tạo ra những tế bào bất thường và loạn sản (ác tính) xâm lấn các lớp tế bào bình thường ở cổ tử cung. Đặc biệt nguy hiểm là hai nhóm 16, 18 gây ra hơn 70% ung thư cổ tử cung (UTCTC). Thời gian ủ bệnh của nhóm 16 đến 2 - 3 năm và hầu như không phát hiện được chúng ở giai đoạn này.
Biến chứng nguy hiểm nhất là ung thư
Biến chứng HPV gây ra nhiều nhất là UTCTC, một trong năm loại ung thư nguy hiểm nhất, gây tử vong nhiều thứ hai cho phụ nữ sau ung thư vú. Tuy còn vài nguyên nhân phụ khác như quan hệ tình dục trước 18 tuổi; có nhiều bạn tình; sinh sớm; sinh nhiều... nhưng 99,7% các ca UTCTC tìm thấy DNA của HPV. Mỗi ngày thế giới có 750 phụ nữ, trong đó hơn 400 là người Châu Á chết vì căn bệnh này; Việt Nam có 7 người chết mỗi ngày vì UTCTC, mỗi năm có khoảng 5.000 ca mắc mới.
Khi UTCTC đã rõ như ra khí hư bất thường (ra nhiều, thay đổi màu, mùi); kinh bất thường; đau tự nhiên hoặc chảy máu; thiếu máu, mệt mỏi, gày sút; khó tiểu hoặc nhiễm trùng tiết niệu; đau lưng và hông; đau và chảy máu khi giao hợp; gãy xương (do ung thư di căn xương) thì khó hy vọng điều trị.
Virus HPV.
Mắc bệnh sùi mào gà và cách điều trị hiệu quả
2
Ung thư cổ tử cung có chết không?
Trẻ mắc bệnh sùi mào gà, khi trưởng thành có bị vô sinh không?
Bà bầu mắc bệnh sùi mào gà có nên sinh thường không?
Bệnh sùi mào gà có lây qua đường ăn uống không?
Tuy nhiên, tỉ lệ chữa khỏi lại rất cao, điều trị đơn giản, ít tốn kém nếu mới ở giai đoạn đầu, gọi là giai đoạn nghịch (loạn) sản cổ tử cung, nhưng giai đoạn này thường không có triệu chứng nào rõ ràng nên ít người nghi ngờ. Vì thế việc kiểm tra bằng xét nghiệm (PAP - Pap’s smear; Cobas HPV; Co-testing) để phát hiện các type HPV gây ung thư, phát hiện sớm biến đổi bất thường tế bào cổ tử cung hoặc tế bào tiền ung thư là cực kỳ quan trọng.
Mặt khác, xác định nguyên nhân gây UTCTC là do virus nên việc tiêm chủng cũng cực kỳ quan trọng. Tiêm phòng HPV (2 - 3 mũi) từ 9 - 26 tuổi, sẽ có đáp ứng miễn dịch cao nhất vì đây là giai đoạn cơ thể sung sức nhất. Ở các nước giàu, người ta chủng ngừa HPV đến 50 tuổi. Hiện có vacxin 4 trong 1 ngừa các nhóm HPV 6, 11, 16, 18, được chỉ định để ngừa UTCTC; UT âm hộ, âm đạo; mào gà sinh dục và UT hậu môn ở nam giới.
Thử nghiệm lâm sàng vacxin này trên 25.000 người toàn thế giới thấy có thể ngừa được 99% các tổn thương tiền UTCTC; 95% các loạn sản cổ tử cung mức độ thấp; 99% các sùi mào gà sinh dục gây ra bởi HPV 6 và 11. Tiêm chủng tuy bảo vệ được đa số người đã tiêm nhưng không phải hoàn toàn, vì vậy phải kết hợp với xét nghiệm phát hiện sớm...
Gần đây, Hiệp hội ung thư Canada thống kê thấy ung thư vòm họng do HPV chiếm khoảng 1/3 tổng số các ung thư do HPV, trong đó nam mắc gấp 4 lần nữ. Do hệ miễn dịch nam giới có phản ứng đối với HPV khác so với hệ miễn dịch nữ. Nam có nguy cơ nhiễm HPV qua đường miệng cao hơn và ít có khả năng tiêu diệt hoàn toàn HPV, dẫn đến nguy cơ tiến triển ung thư vòm họng...
Nhiễm HPV vẫn có thể mang thai và sinh con, ngoại trừ tiền UTCTC thì phải điều trị trước.
Theo Lao động
Xem thêm:
- Những biểu hiện ban đầu của bệnh sùi mào gà
- Tìm hiểu rõ lý do vì sao bị sùi mào gà?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!