Bệnh than: tìm hiểu và phòng ngừa

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/19/2024

Tìm hiểu về bệnh than trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh than là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn gam dương hình que gọi là Bacillus anthracis. Vi khuẩn bệnh than có thể được tìm thấy trong đất và thường gây bệnh cho vật nuôi và động vật hoang dã trên toàn thế giới. Con người cũng có thể bị nhiễm bệnh than nếu tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh, mặc dù trường hợp này hiếm khi xảy ra.

Tiếp xúc với bệnh than có thể gây bệnh nghiêm trọng ở cả người và động vật. Bệnh than không dễ lây nhiễm, có nghĩa là bạn không thể nhiễm bệnh dễ dàng như bị cảm lạnh hoặc cảm cúm.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh than là gì?

Các triệu chứng của bệnh than phụ thuộc vào loại nhiễm trùng và có thể mất từ 1 ngày hoặc đến hơn 2 tháng các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện. Tất cả các loại bệnh than nếu không được điều trị đều có khả năng lây lan khắp cơ thể, gây bệnh nặng và thậm chí dẫn đến tử vong.

Triệu chứng bệnh than qua da có thể bao gồm:

  • Xuất hiện một nhóm mụn nước nhỏ hay vết u có thể gây ngứa trên da;
  • Một vùng da bị lở loét nhưng không gây đau với phần chính giữa màu đen xuất hiện sau khi các mụn nước nhỏ hoặc vết u xuất hiện;
  • Vết lở loét sẽ xuất hiện trên mặt, cổ, cánh tay, hoặc bàn tay;
  • Vùng da xung quanh vết lở thường bị sưng.

Triệu chứng bệnh than qua đường hô hấp có thể bao gồm:

  • Bị sốt và ớn lạnh;
  • Tức ngực;
  • Khó thở;
  • Chóng mặt;
  • Ho;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng;
  • Nhức đầu;
  • Đổ mồ hôi rất nhiều;
  • Cực kì mệt mỏi;
  • Đau nhức cả người.

Triệu chứng bệnh than qua đường ruột có thể bao gồm:

  • Bị sốt và ớn lạnh;
  • Sưng cổ hoặc hạch cổ;
  • Đau họng;
  • Bị đau khi nuốt xuống;
  • Khàn tiếng;
  • Buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là nôn ra máu;
  • Tiêu chảy hoặc tiêu chảy ra máu;
  • Nhức đầu;
  • Đỏ mặt và đỏ mắt;
  • Đau bụng;
  • Ngất xỉu;
  • Bụng bị sưng.

Triệu chứng bệnh than qua tiêm chích có thể bao gồm:

  • Sốt và ớn lạnh;
  • Xuất hiện một nhóm mụn nước nhỏ hay vết u có thể gây ngứa nổi xung quanh phần da được tiêm chích;
  • Một vùng da bị lở loét nhưng không gây đau với phần chính giữa màu đen xuất hiện sau khi các mụn nước nhỏ hoặc vết u xuất hiện;
  • Vùng da xung quanh vết lở thường bị sưng;
  • Bị rỗ sâu vào dưới da hoặc ở trong các cơ vùng tiêm thuốc.

Hãy lưu ý:

  • Các triệu chứng này tương tự như của bệnh than qua da, nhưng bệnh than qua tiêm chích có thể lây lan khắp cơ thể nhanh hơn, khó nhận biết và điều trị hơn so với bệnh than qua da.
  • Những phản ứng nhiễm trùng trên da sau khi tiêm thuốc là rất bình thường và không nhất thiết biểu hiện rằng người đó đã mắc bệnh than.

Các bước đẩy lùi bệnh than

Điều trị

Các bác sĩ có thể chọn nhiều phương pháp để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh than, bao gồm dùng thuốc kháng sinh và thuốc kháng độc. Trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh than nghiêm trọng sẽ cần phải nhập viện và cần áp dụng điều trị tích cực, chẳng hạn như dẫn lưu chất lỏng liên tục và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.

Thuốc kháng sinh

Tất cả các loại bệnh than đều có thể được điều trị bằng kháng sinh, bao gồm cả thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch (thuốc được truyền qua tĩnh mạch). Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh than, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt để có cơ hội hồi phục hoàn toàn cao nhất. Các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp nhất để điều trị bệnh than cho bệnh nhân dựa trên bệnh sử của họ.

Thuốc kháng độc

Khi bào tử bệnh than thâm nhập vào bên trong cơ thể, chúng có thể được “kích hoạt”. Khi được kích hoạt, vi khuẩn bệnh than có thể nhân lên rồi lan ra trong cơ thể, tiết ra độc tố hoặc các chất độc. Độc tố bệnh than trong cơ thể chính là nhân tố khiến bệnh trở nên trầm trọng.

Sau khi độc tố bệnh than được tiết ra bên trong cơ thể, có thể dùng thuốc kháng độc để điều trị. Thuốc kháng độc sẽ tiêu diệt các độc tố bệnh than trong cơ thể. Các bác sĩ phải sử dụng kết hợp thuốc kháng độc cùng với các phương pháp điều trị khác.

Hiện nay, có một vài loại thuốc kháng độc có thể được sử dụng để điều trị bệnh than.

Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đã tiếp xúc với bệnh than. Bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay và giải thích với bác sĩ lý do tại sao bạn cho rằng bạn đã tiếp xúc với bệnh. Các bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho bạn. Trong trường hợp các triệu chứng của bệnh than đã xuất hiện, bạn cần tìm kiếm chăm sóc y tế càng sớm càng tốt để có cơ hội hồi phục cao nhất.

Tiêm vắc xin ngừa bệnh than như thế nào?

Thuốc kháng sinh có thể ngăn ngừa bệnh than phát triển ở những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhưng chưa phát bệnh. Ciprofloxacin và doxycycline là hai trong số các loại thuốc kháng sinh có thể dùng để ngăn ngừa bệnh than.

Vắc xin

Vắc xin này không chứa vi khuẩn gây bệnh than và việc tiêm ngừa sẽ không khiến người tiêm mắc bệnh. Trong trường hợp khẩn cấp khi bệnh than bùng nổ, những người tiếp xúc với bệnh than có thể được chủng ngừa để ngăn ngừa bệnh lây lan. Chủng ngừa sẽ được thực hiện theo những quy định ràng buộc về việc sử dụng vắc xin trong trường hợp khẩn cấp.

Chủng ngừa vắc xin thông thường (Trước khi tiếp xúc với bệnh)

Vắc xin bệnh than thường được sử dụng cho nhóm người lớn từ 18 đến 65 tuổi sau đây bởi họ có nguy cơ tiếp xúc với bệnh cao vì đặc tính công việc:

  • Nhân viên phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu bệnh than;
  • Người xử lý và tiếp xúc với động vật cũng như sản phẩm từ động vật, chẳng hạn như bác sĩ thú y.

Để phòng ngừa bệnh than, trong vòng 18 tháng những nhóm người trên nên được tiêm 5 liều vắc xin ngừa bệnh than. Để phòng bệnh lâu dài, vắc xin cần được tiêm đều đặn hàng năm, việc tiêm chủng sẽ được tiêm trực tiếp vào cơ.

Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin?

Một số người không nên tim ngừa bệnh than trong  các điều kiện sau:

  • Bất cứ ai đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với liều vắc xin ngừa bệnh than, không nên tiêm thêm bất cứ liều vắc xin nào nữa.
  • Bất cứ ai bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin bệnh than không nên tiêm vắc xin. Hãy báo với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng nghiêm trọng với bất kì thành phần nào, bao gồm cả triệu chứng dị ứng với latex (nhựa mủ).
  • Bất cứ ai đang bệnh dù ở mức vừa hay nặng có lẽ sẽ được bác sĩ khuyên nên đợi cho đến khi khỏe hẳn hãy tiêm ngừa vắc xin. Những người đang bị bệnh nhẹ vẫn có thể tiêm ngừa.
  • Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vắc xin.

Chủng ngừa vắc xin khẩn cấp (Sau khi tiếp xúc với bệnh)

Trong những tình huống nhất định, chẳng hạn như sau một cuộc tấn công khủng bố sinh học liên quan đến bệnh than, những người đã tiếp xúc với bệnh than được khuyến nghị chủng ngừa vắc xin để ngăn ngừa bệnh than ở người lây lan.

Nếu xảy ra trường hợp này, người tiếp xúc với bệnh than nên được chủng ngừa 3 liều vắc xin bệnh than trong vòng 4 tuần kèm theo đơn thuốc kháng sinh trong vòng 60 ngày để ngừa bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!