Ai có nguy cơ suy thận?

Thời sự - 11/24/2024

Bệnh suy thận mãn tính đang gia tăng ở các nước phát triển. Việt Nam chưa có nghiên cứu trên toàn quốc, tuy nhiên nghiên cứu theo từng vùng địa lý cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn ngày càng tăng cao.

Ai có nguy cơ suy thận?

Suy thận mãn tính là gì

Suy thận mạn tính là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận - tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.

TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn, trong đó các bệnh lý ở cầu thận chiếm 40% gây suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,....

Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn; Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính; Bệnh thận bẩm sinh và di truyền (thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport); Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì).

Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

TS Nguyễn Thế Cường nhấn mạnh, không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng.

Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối cũng là lúc chức năng thận dưới 15% bình thường, điều này có nghĩa là thận không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa của cơ thể. Lúc này cần phải tiến hành các biện pháp điều trị thay thế thận (lọc máu, ghép thận).

Do bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối, nên mục tiêu quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, và gia đình có người bệnh thận là nhóm người cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu Nguyễn Quang Cừ - Bệnh viện Đa khoa An Việt, triệu chứng của suy thận mạn tính thường âm thầm, không rõ ràng cho đến khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề.

Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, ăn kém, xanh, thiếu máu, hoặc da xạm và khô. Bác sĩ Cừ nhấn mạnh cần chú ý đó là sút cân hoặc ăn không ngon.

Về đường tiết niệu, người bệnh có thể bị đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu sậm (màu cocacola) hoặc tiểu có bọt. Phù thũng, cảm giác nặng mi mắt, hoặc sưng nề hai chi dưới. Cơ thể nổi nhiều ban, ngứa.

Những triệu chứng của suy thận mạn gần giống với biểu hiện của một số bệnh lý khác nên việc chẩn đoán dễ bị bỏ sót.

Để phòng bệnh thận, những người mang các bệnh lý trên cần điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt: thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Bên cạnh đó, cần điều trị các triệu chứng như: Tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị thiếu máu, điều trị loãng xương, điều trị rối loạn điện giải.

Bác sĩ Cừ cũng khuyến cáo nếu có những triệu chứng nghi ngờ của suy thận mạn người bệnh nên đi khám tại bệnh viện để xác định tình trạng bệnh chính xác nhất.

Ông cho rằng không phải ai mang các triệu chứng trên cũng bị suy thận nhưng đây là triệu chứng cảnh báo, người bệnh cần phòng ngừa và phát hiện sớm. Điều này rất quan trọng vì việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với phát hiện bệnh muộn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!