Trầm cảm có bắt nguồn từ môi trường sống?

Các bệnh - 11/24/2024

Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng tại Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên bệnh có phải do môi trường sống gây ra?

Trầm cảm - một rối loạn tâm thần phổ biến

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến nhất, theo nhà tâm thần học Sadock B.J. (năm 2015), tỷ lệ trầm cảm trong toàn bộ cuộc đời chung cho cả hai giới là từ 15-25% dân số. Đây là một con số rất lớn, nghĩa là cứ 4 - 6 người thì sẽ có 1 người bị trầm cảm.

Nữ giới có tỷ lệ trầm cảm cao hơn nam giới 2 lần, nghĩa là cứ 3 bệnh nhân trầm cảm thì có 1 người là nam, 2 là nữ.

Tỷ lệ trầm cảm không phụ thuộc vào trình độ văn hóa, tôn giáo, điều kiện sống, dân tộc, vùng địa lý... nghĩa là nước nào có dân số càng đông thì số bệnh nhân trầm cảm càng cao. Do đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ là 3 quốc gia có số bệnh nhân trầm cảm nhiều nhất thế giới.

Trầm cảm bao gồm trầm cảm nội sinh (không do nguyên nhân bên ngoài), trầm cảm do một bệnh thực tổn (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, viêm gan, loét dạ dày, tá tràng...) và trầm cảm do một chất (ma túy, rượu, thuốc chống ung thư, corticoid...).

Trầm cảm do đâu?

Gene di truyền

Trầm cảm nội sinh có nguyên nhân là do rối loạn về gene di truyền, do nhiều gene bệnh gây ra, di truyền theo kiểu tổ hợp gene phức tạp. Người bình thường luôn có một số lượng gene bệnh trong người, nhưng không bị bệnh vì số lượng gene gây bệnh chưa đạt đến ngưỡng nhất định.

Ai có số lượng gene bệnh vượt ngưỡng thì sẽ bị trầm cảm. Người nào càng mang nhiều gene bệnh thì sẽ khởi phát bệnh càng sớm và càng nặng.

Trầm cảm có bắt nguồn từ môi trường sống?Thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin gây bệnh trầm cảm.

Do số lượng gene bệnh được nhận một cách ngẫu nhiên từ bố và mẹ nên điều này giải thích tại sao bố không bị bệnh, mẹ không bị bệnh, anh và em không bị bệnh mà mình lại bị trầm cảm (do mình không may nhận quá nhiều gene bệnh từ bố và từ mẹ, còn các anh và em mình thì nhận ít hơn).

Do bệnh nhân trầm cảm có mang nhiều gene bệnh nên con cái họ sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn con cái những người không bị trầm cảm.

Gene bệnh của trầm cảm là gene gì? Đó chính là các gene điều tiết việc giảm sản xuất (ức chế sản xuất) chất dẫn truyền thần kinh có tên là serotonin trong não. Như vậy, người mang càng nhiều gene bệnh thì việc sản xuất chất serotonin trong não càng kém, và khi kém đến một ngưỡng nào đó (dưới 50% so với người bình thường) thì sẽ gây ra bệnh trầm cảm.

Chất dẫn truyền thần kinh serotonin

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh trong một số vùng não, ngoài ra, serotonin còn có trong tiểu cầu, ở các tế bào ưa crom thuộc ống tiêu hóa (dạ dày, ruột). Serotonin gây ra trầm cảm là serotonin ở não.

Do lượng serotonin ở các khe xi-náp của não quá thấp nên việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác sẽ kém đi, vì thế gây ra các triệu chứng lâm sàng của trầm cảm như mệt mỏi, mất ngủ, chán nản, mất hết các hứng thú và sở thích, chán ăn, sút cân, lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, muốn chết...

Yếu tố môi trường

Môi trường không thuận lợi tạo điều kiện để những người mang nhiều gene bệnh khởi phát rối loạn trầm cảm. Môi trường càng xấu thì bệnh khởi phát càng sớm.

Môi trường không thuận lợi ở người mang ít gene bệnh không làm cho họ bị trầm cảm (rất nhiều người giỏi chịu đựng dù ở các hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ác liệt và nguy hiểm).

Môi trường thuận lợi ở người mang nhiều gene bệnh vẫn gây ra trầm cảm, có điều bệnh sẽ khởi phát muộn hơn đôi chút so với khi gặp môi trường xấu.

Như vậy, môi trường chỉ là yếu tố thuận lợi cho khởi phát trầm cảm mà thôi, môi trường không phải là nguyên nhân gây ra trầm cảm.

Hơn nữa, yếu tố môi trường không còn đóng vai trò gì trong việc tái phát, tái diễn của trầm cảm. Nghĩa là dù môi trường thuận lợi hay không thì bệnh nhân vẫn cứ tái phát như thường.

Tóm lại, trầm cảm là do gene di truyền gây ra. Môi trường sống không thuận lợi chỉ là yếu tố thuận lợi cho trầm cảm khởi phát mà thôi. Chúng ta cần hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh, bản chất của bệnh để từ đó có các biện pháp phòng chống phù hợp.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!