Đây là thông tin được cho biết bởi bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhiều người này có thể chưa biểu hiện bệnh nhưng nếu không có cách dự phòng có thể diễn biến nặng hơn.
Theo bác sĩ, triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm gan vi-rút chủ yếu gồm sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da và củng mạc mắt vàng. Với các trường hợp nhiễm vi-rút mạn tính, các triệu chứng thường không điển hình. Rất nhiều bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng và thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan.
Bệnh nhân xét nghiệm máu sàng lọc vi-rút viêm gan (Ảnh: N.Phương)
'Chi phí kiểm tra để phát hiện viêm gan B và C không cao, nhưng khi đã bệnh thì điều trị rất đắt. Người nhiễm vi-rút viêm gan B, tốt nhất nên uống thuốc suốt đời. Lý do vì vi-rút nằm trong tế bào gan, không tìm thấy ở máu, nhưng chỉ cần dừng thuốc nó lại phát triển', bác sĩ Tuấn nói.
Tại Việt Nam, hiện nay rất nhiều bệnh nhân phát hiện tình trạng nhiễm vi-rút viêm gan B và C khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, để phát hiện sớm tình trạng nhiễm vi-rút viêm gan, đặc biệt là vi-rút viêm gan B và C, người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm.
Ví dụ nam giới khi biết nhiễm vi-rút viêm gan thì cần có lối sống lành mạnh, đặc biệt là không uống rượu. Khi biết mình nhiễm vi-rút thì chồng (vợ), con cũng nên đi xét nghiệm. Người chưa mang vi-rút thì nên đi tiêm phòng ngay (viêm gan B đã có vắc-xin phòng).
Viêm gan siêu vi B: Chẩn đoán và điều trị (Việt hóa bởi SongKhoe.vn)
Những người có yếu tố nguy cơ cao gồm:
- Người trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột, vợ chồng, con cái) hoặc sống cùng người bị nhiễm vi-rút viêm gan B, C.
- Những người có tiền sử chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, chạy thận nhân tạo chu kỳ.
- Nhân viên y tế, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh.
Điều trị:
Các loại vi-rút viêm gan A và E hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng và nghỉ ngơi.
Với vi-rút viêm gan B và C mạn tính có thể sử dụng thuốc kháng vi-rút nhằm ức chế sự nhân lên của vi-rút, hạn chế các biến chứng của bệnh.
Cách phòng bệnh:
Trong 5 loại vi-rút viêm gan thì viêm gan A và E lây theo đường tiêu hóa; viêm gan B, C và D lây theo đường máu, từ mẹ truyền sang con và quan hệ tình dục.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất với vi-rút viêm gan B là tiêm phòng vắc-xin cho trẻ theo chương trình Tiêm chủng mở rộng và cho tất cả mọi người chưa bị nhiễm vi-rút. Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như sàng lọc máu, các chế phẩm của máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần, quan hệ tình dục an toàn...
Đối với phụ nữ nhiễm vi-rút viêm gan B khi mang thai, người mẹ cần được làm xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm vi-rút viêm gan B để có biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Chẳng hạn, mẹ uống thuốc kháng vi-rút trong 3 tháng cuối thai kỳ khi tải lượng vi-rút của mẹ cao và tiêm kháng huyết thanh cùng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ ngay sau khi sinh.
Vi-rút viêm gan C chưa có vắc-xin phòng bệnh nên chủ yếu là các biện pháp chung như quan hệ tình dục an toàn, sàng lọc máu, các chế phẩm của máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!