Bệnh viện Nhi Đồng 1 hội chẩn từ xa 2 ca bệnh, kết nối 25 tỉnh, thành

Thời sự - 11/24/2024

Sáng nay (24/9), tại TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chính thức khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth Center).

Mở đầu lễ khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth Center), PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ, thông qua Đề án Khám chữa, bệnh từ xa theo Quyết định 2628 của Bộ Y tế, có thể kết nối Bệnh viện Nhi đồng 1 đến tất cả các quận, huyện để có thể tư vấn, hội chẩn các ca bệnh khó, phức tạp thay vì phải chuyển tuyến trên, gia tăng cơ hội cứu chữa thành công cho bệnh nhân.

Tính đến trưa nay, đã có 85 điểm cầu từ 25 tỉnh/thành phố từ Bình Định đến mũi Cà Mau đã đăng ký tham gia với Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trường hợp hội chẩn đầu tiên qua Telehealth sáng nay ở Bệnh viện Nhi đồng 1 là bé trai sơ sinh 18 ngày tuổi, mẹ bị đái tháo đường, được Bệnh viện Sản Nhi An Giang mổ sinh do suy thai. Mặc dù cháu bé sinh đủ tháng (38 tuần) nhưng sau sinh bé khóc yếu, thở mệt. Các bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi An Giang kết luận bé bị hội chứng suy hô hấp nặng, nhiễm trùng, tim bẩm sinh (hở van 2 lá, 3 lá, dày vách liên thất).

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi An Giang băn khoăn, phân vân không biết có chỉ định đóng ống động mạch và lựa chọn thuốc có làm giảm tiểu cầu của bệnh nhi không. Để có hướng xử trí tiếp theo cho ca bệnh này trong việc lựa chọn loại kháng sinh như thế nào, có cần sử sụng liều viêm màng não không khi người nhà không đồng ý cho chọc dò tủy sống, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi An Giang đã quyết định đưa ca bệnh ra xin ý kiến hội chẩn tại buổi khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 hội chẩn từ xa 2 ca bệnh, kết nối 25 tỉnh, thành

Các bác sĩ hội chẩn cho ca bệnh đầu tiên tại Trung tâm Khám, chữa bệnh từ xa Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Kim Vân

Tại đầu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Bạch Văn Cam - Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, cố vấn khối hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 - sau khi nghe báo cáo từ phía Bệnh viện Sản nhi An Giang đã cùng các bác sĩ, chuyên gia hướng dẫn, chia sẻ các bước điều trị cho bệnh nhân.

Theo Ths.BS.CK2 Nguyễn Trí Hào - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì ca bệnh này nên theo dõi, không cần thiết phải chọc dịch tủy sống và không có bằng chứng về viêm màng não. Bệnh nhi cho tái khám lại sau 1 tháng, tiên lượng sức khỏe sẽ tốt lên.

Sau ca hội chẩn đầu tiên ở Bệnh viện Sản nhi An Giang, đầu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1 chuyển sang hội chẩn cho ca bệnh thứ hai là một bé gái 4 tháng tuổi, tên là H.K.T. (ngụ ở xã An Tường Đông, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Bé T. nhập viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định vào ngày 6/8/2020. Trước đó 2 tuần bé bị ho, khò khè, thở mệt. Sau khi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân 1 tuần và chuyển sang Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn với chẩn đoán viêm phổ nặng, bị Down, tim bẩm sinh. Bệnh không đỡ nên chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, các bác sĩ chẩn đoán bé T. bị viêm phổi, tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, ống động mạch biến chứng tăng áp phổi và suy tim), hội chứng Down. Liên quan đến vấn đề xử trí tiếp theo ở ca bệnh này như thế nào, các bác sĩ đầu cầu Bình Định đưa ra các câu hỏi về sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi/tim bẩm sinh cho bệnh nhi đã phù hợp chưa, có lên chuyển tuyến trên can thiệp đóng lỗ thông cấp cứu không và hướng xử trí tốt nhất nhất trong thời gian tới cho trường hợp bé gái này.

Tại buổi khám chữa bệnh từ xa, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã giải đáp thoả đáng các thắc mắc của các bác sỹ tuyến dưới về các chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng để có những quyết định đúng trong điều trị, phục hồi người bệnh. Theo đó, ca bệnh thứ hai này không có chủ trương đóng lỗ thông cấp cứu, nên tăng lượng kháng sinh và xem xét chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Mục tiêu chính của Đề án Khám, chữa bệnh từ xa là nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, cả hệ thống y tế nhà nước và tư nhân thông qua các hoạt động: Hội chẩn từ xa (các trường hợp khó, cấp cứu); Huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho cán bộ y tế tuyến trước; Tư vấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, phòng, chống dịch; Sinh hoạt chuyên môn – bình bệnh án định kỳ..

Hiệu quả mong đợi của đề án là giảm số trường hợp chuyển viện không cần thiết, chuyển viện không an toàn, tăng niềm tin và hài lòng của người dân vào hệ thống y tế cơ sở, giảm quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.

Cho đến hiện nay, cả nước chỉ có hai Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa về Nhi khoa là Bệnh viện Nhi Trung Ương phụ trách các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 phụ trách từ các tỉnh miền Trung đến Cà Mau.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!