Bí kíp ăn lẩu vừa ngon vừa khỏe dịp Tết

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tết đến nhu cầu gặp gỡ bạn bè và tụ tập tăng cao cộng thêm thời tiết giá lạnh thì món lẩu là sự lựa chọn của rất nhiều gia đình.

Dưới đây là những bí kíp ăn lẩu vừa ngon lại giúp bạn đảm bảo sức khỏe trong dịp tết.

1. Nhiệt độ khi ăn

Khi ăn lẩu nhiệt độ sôi quyết định vị ngon của lẩu, thường ở nhiệt độ cao tới 120oC. Tuy nhiên, thức ăn vừa được chúng ta làm chín trong nồi lẩu được lấy ra ăn ngay lại rất có hại cho sức khỏe. Nguyên nhân là do khoang miệng, thực quản, niêm mạc dạ dày chỉ có thể chịu được ở nhiệt độ cao nhất khoảng 50 - 60oC.

Việc ăn thức ăn ở nhiệt độ quá nóng sẽ làm tổn thương khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản. Một lí do nữa là trong lẩu chứa rất nhiều gia vị cay nóng gây nên phồng rộp khoang miệng, đau và viêm loét dạ dày. Vì thế, bạn nên gắp thức ăn ra một đĩa nhỏ, để đồ ăn nguội bớt rồi sau đó mới thưởng thức, nên ăn cay ở mức độ vừa phải, nhất là đối với những người bị đau dạ dày.

Bí kíp ăn lẩu vừa ngon vừa khỏe dịp Tết

Không nên ăn lẩu ở nhiệt độ quá nóng (Ảnh minh họa: Interrnet)

2. Hạn chế ăn tái và nấu chín thực phẩm

Ăn lẩu tái là sở thích của rất nhiều người ăn lẩu. Tuy nhiên, thói quen này lại không tốt cho hệ tiêu hóa. Bởi trong quá trình sơ chế với rất nhiều nguyên liệu như thịt, hải sản, rau củ… có thể thực phẩm còn chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng chưa tiêu diệt hết.

Việc ăn thực phẩm chưa chín kĩ dễ làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và sự hấp thụ dinh dưỡng khi thực phẩm chưa được đảm bảo. Vì thế, ngoài các loại rau củ không nên nhúng quá lâu thì đối với các loại thịt, bạn nên để thực phẩm chín cho thật kĩ để đảm bảo tính an toàn.

3. Nên ăn nhiều rau, củ, quả để giải nhiệt

Các gia vị cay nóng trong nước lẩu như ớt, sa tế, hạt tiêu dễ làm bạn bị nhiệt và nóng trong. Cộng thêm với các đồ nhúng giàu dinh dưỡng như thịt, cá, hải sản dễ làm bạn cảm thấy ngán và dư thừa năng lượng.

Do đó, việc ăn các loại rau, củ quả sẽ giúp bạn cung cấp thêm vitamin giải nhiệt cũng như giảm bớt lượng mỡ nạp vào cơ thể, giải trừ độc tố. Các loại rau thường sử dụng trong ăn lẩu nên ăn là cải xoong, cải chíp, cải thảo, bắp cải, rau muống… vừa giàu vitamin, thân thiện với dạ dày lại cân bằng nhiệt độ trong cơ thể.

Bí kíp ăn lẩu vừa ngon vừa khỏe dịp Tết

Nên ăn nhiều rau, củ, quả khi ăn lẩu (Ảnh minh họa: Internet)

4. Thay nước lẩu nếu ăn lâu

Đa số mọi người thường nghĩ nước lẩu để càng lâu thì vị sẽ càng đậm đà và ngon hơn. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Việc đun nước lẩu quá lâu sẽ làm phá hủy hầu hết các vitamin có lợi cho sức khỏe.

Trong khi đó hàm lượng nitric, purine và các chất béo đã bão hòa có hại tăng cao. Từ đó làm tăng nguy cơ béo phì, xơ vữa động mạch và một số bệnh nguy hiểm khác. Vì thế, nếu ăn lẩu quá 60 phút thì bạn nên đi thay nước lẩu mới để đảm bảo cho sức khỏe.

5. Ăn thêm cơm hoặc hoa quả

Khi ăn lẩu chúng ta thường ăn mì hoặc bún. Tuy nhiên, để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, bạn cũng nên ăn thêm cơm do đã nạp quá nhiều đồ ăn giàu protein. Ăn hoa quả trước khi ăn lẩu cũng giúp giải nhiệt cơ thể, cân bằng dạ dày, giúp dạ dày không bị quá tải trong lúc ăn uống.

6. Những người nên hạn chế ăn lẩu

Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu khi ăn lẩu nên chọn những loại lẩu thanh đạm để hạn chế cholesterol. Đối với người bị nhiệt, đau dạ dày, viêm loét dạ dày không nên ăn những loại lẩu quá cay để tránh gây tổn thương dạ dày.

Bích Ngọc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!