Là cha đẻ của những tác phẩm kiếm hiệp thành công nhất trong nền văn học Trung Quốc hiện đại, tiểu thuyết gia Kim Dung được người hâm mộ nhắc tới như 'đại hiệp của các đại hiệp'.
Bước sang tuổi 92, vị 'đại hiệp' này vẫn giữ được tinh thần minh mẫn, thể lực tràn trề. Nhiều người không khỏi thắc mắc, điều gì khiến ông không chỉ thành công trong việc viết văn, mà còn trở thành bậc thầy dưỡng sinh một cách tài tình như vậy?
Kỳ thực, bí quyết dưỡng sinh của nhà văn kiếm hiệp này chỉ gói gọn trong 3 nguyên tắc đơn giản dưới đây.
Tinh thần: Tìm kiếm sự thanh thản trong nội tâm
'Có thể nói, ‘Thiên Long bát bộ’ là tác phẩm phần lớn thể hiện cái nhìn của tôi đối với cuộc sống. Người Trung Quốc thường cho rằng, tuy cái chết là không thể né tránh, nhưng sự sống vẫn thật tuyệt vời biết bao!
Sống một cuộc sống biết giúp đỡ người khác, tâm tính bình hòa, trung dung, tự tại chính là đạo lý!'. Đó là lời tâm sự thể hiện cái nhìn sâu sắc về nhân sinh quan của Kim Dung.
Ông luôn cho rằng, vạn vật không thể cưỡng cầu, quan trọng là bản thân mỗi người phải học cách tự vừa lòng.
Cũng bởi quan niệm như vậy, bất kể trong việc đọc sách hay viết lách, Kim Dung luôn tìm cách đơn giản hóa mọi việc. Khiến cho mọi thứ trở nên dễ dàng, nội tâm sẽ được thanh thản, sức khỏe cũng theo đó mà được nâng cao, cải thiện.
Đi sâu hơn về vấn đề nuôi dưỡng tâm tình, tiểu thuyết gia lỗi lạc này chia sẻ một kỷ niệm từng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với ông.
Có lần, Kim Dung tới Bắc Kinh thăm một người bạn. Mặc dù không giàu có, nhưng gia đình họ lại sống rất hòa thuận, sống một cuộc sống bình thường mà vô cùng vui vẻ.
Trong khi đó, một người bạn khác của ông tại Hồng Kông tuy sở hữu gia tài bạc triệu, nhưng lại luôn sống trong phiền não, chẳng lúc nào được an nhàn, thậm chí còn ao ước có được cuộc sống như người bạn ở Bắc Kinh kia.
Những thực tế từ cuộc sống ấy càng khiến cho Kim Dung hiểu sâu sắc tầm quan trọng của việc giữ cho tâm hồn luôn được an nhiên, thảnh thơi.
Nhà văn là minh chứng cho việc 'tuổi đã cao' nhưng 'sức không yếu'
Thể thao: Mỗi ngày đi bộ 45 phút
Hằng ngày, dù bận rộn tới đâu, Kim Dung luôn giữ thói quen tản bộ từ 45 – 50 phút.
'Có điều, kiểu tản bộ của tôi không phải là đi thong thả, mà phải đạt tới mức chân bước nhanh, thở gấp, cơ thể đổ mồ hôi mới thôi'.
Kỳ thực, việc vận động phải đạt tới một cường độ nhất định mới phát huy tác dụng. Nếu như chúng ta chỉ đi từ từ, thân thể không nóng lên, ắt sẽ không thu được hiệu quả như mong muốn.
Vào những ngày thời tiết quá nắng nóng hoặc mưa bão, Kim Dung vẫn không bỏ thói quen luyện tập. Ông cười nói: 'Tôi sẽ ở nhà vận động bằng máy tập từ 35 - 45 phút.'
Chính nhờ thói quen kiên trì vận động với cường độ vừa phải ấy, nhà văn được ví như 'quốc bảo' của Trung Quốc này chính là minh chứng cho việc 'tuổi đã cao' nhưng 'sức không yếu'!
Thú vui: Thưởng trà, chơi cờ
Thưởng trà là thú vui không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của nhà văn Kim Dung.
Ông phân tích: 'Uống trà và dưỡng sinh có điểm tương thông. Trà đạo vốn dĩ khiến cho con người ta di thần kiện não (vừa bổ não, vừa giúp tinh thần minh mẫn). Điều này cũng chính là tinh thần của dưỡng sinh'.
Tuy vậy, Kim Dung vẫn nhắc nhở mọi người rằng mặc dù tốt, nhưng trà là thứ chỉ nên uống vừa phải. Tương tự như vậy, việc ăn uống cũng không nên quá đà, những chất như tinh bột, protein rất cần hạn chế.
Bên cạnh việc thưởng trà, Kim Dung cũng nuôi dưỡng thú vui chơi cờ vây. Rất nhiều kiệt tác của đại văn hào này đã ra đời bên những bàn cờ ấy.
Trong 'Thư Kiếm Ân cừu lục', người đọc biết tới một Trần Gia Lạc dùng quân cờ làm ám khí. 'Tiếu Ngạo giang hồ' lại cống hiến cho độc giả một Hắc Bạch Tử si mê cờ vây. Ngay cả 'Thiên Long bát bộ' cũng thấp thoáng bóng dáng của những ván cờ chớp nhoáng.
Theo Kim Dung, cờ vây đòi hỏi sự tập trung tinh thần và trí lực cao độ. Trò chơi này chính là một cách hữu hiệu để rèn luyện tư duy, vận động trí não.
Mỗi ngày đều kiên trì động não, thanh niên có thể nâng cao tư duy, mà người già lại tránh được tình trạng suy giảm trí nhớ và nhiều chứng bệnh khác.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!