Biểu hiện khi bị nhiễm sán và những xét nghiệm cần làm khi nghi bị nhiễm sán

Cần biết - 11/24/2024

Ở người có thể bị nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau, nhưng được chia ra làm 2 loại chính là giun sán ký sinh trong ruột và giun sán ký sinh ngoài ruột. Tùy từng loại mà làm các xét nghiệm khác nhau.

Những ngày qua, vụ việc hơn 200 học sinh mầm non và tiểu học ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn nghi do ăn phải thịt lợn nhiễm sán ở nhà trường khiến cộng đồng xôn xao. Với sự hoang mang, lo lắng đến tột độ, rất nhiều bậc phụ khuynh đã nhanh chóng cho con đi làm xét nghiệm để kiểm tra xem con có bị nhiễm ấu trùng sán hay không, thậm chí có người còn làm ở 2 nơi khác nhau để yên tâm về kết quả.

Biểu hiện khi bị nhiễm sán

Theo các chuyên gia y tế, người mắc bệnh sán trưởng thành, bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt. Triệu chứng thường gặp chủ yếu là: Người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân, đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ...

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

- Nếu nang sán ở trong da:Da có các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường.

- Nếu nang sán nằm trong cơ:Sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết;

- Nếu nang sán nằm trong não:Có các biểu hiện của sán não như đau đầu, buồn nôn, nặng có thể có những biểu hiện co giật giống như bệnh động kinh, tăng áp lực sọ não, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, thậm chí đột tử.

Những xét nghiệm phát hiện nhiễm sán

Ở người có thể bị nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau, nhưng được chia ra làm 2 loại chính là giun sán ký sinh trong ruột và giun sán ký sinh ngoài ruột (trong máu, dưới da, niêm mạc, tim, gan, phổi, não...). Tùy từng loại mà làm các xét nghiệm khác nhau.

Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi bị bệnh nhiễm sán lợn, bác sĩ sẽ tiến hành các cận lâm sàng.

Biểu hiện khi bị nhiễm sán và những xét nghiệm cần làm khi nghi bị nhiễm sán

Bác sĩ chụp CT Scanner cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

1. Để phát hiện sán trưởng thành: Xét nghiệm phân và xét nghiệm máu (miễn dịch huyết thanh ELISA)

- Xét nghiệm phân:Tìm trứng sán và đốt sán để xác định nhiễm sán mức độ nào và điều trị gấp. Đây là xét nghiệm 'bắt tại trận', có giá trị tìm thủ phạm đang ẩn nấp trong ruột, ngày đêm rút rỉa dinh dưỡng của cơ thể.

- Xét nghiệm máu: Biện pháp này chỉ mang tính chất tham khảo. Khi xét nghiệm huyết thanh thì không xác định được bị nhiễm từ hồi nào hay ấu trùng đó còn sống hay không và thường dương tính nhầm qua loài sán khác.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm đã bày tỏ quan điểm của mình rằng xét nghiệm máu không phải là cách hay để xác định một người nhiễm sán như thế nào.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, cách làm trên có thể không đem lại kết quả chính xác. Bởi đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rất lâu. Sẽ có những trường hợp xét nghiệm dương tính nhưng trong người không còn giun sán nào cả.

2. Để phát hiện bệnh ấu trùng sán lợn:

- Sinh thiết các nang sán dưới da tìm ấu trùng sán dây lợn;

- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) não tìm các hình ảnh đặc hiệu (các nang sán là những nốt dịch có chấm mờ, kích thước 3-5mm, đôi khi nang có kích thước lớn đến 10mm, rải rác có nốt dạng vôi hóa);

- Chẩn đoán huyết thanh học (ELISA) phát hiện kháng thể và kháng nguyên ấu trùng sán dây lợn trong huyết thanh bệnh nhân;

- Một số trường hợp nhức sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực nếu nghi ngờ sán ở ổ mắt thì nên soi đáy mắt để xác định;

- Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể có bạch cầu ái toan (E) tăng.

Biểu hiện khi bị nhiễm sán và những xét nghiệm cần làm khi nghi bị nhiễm sán

Biểu hiện khi bị nhiễm sán và những xét nghiệm cần làm khi nghi bị nhiễm sán

Hình ảnh kén sán heo di chuyển đến não

Khi nào thì cần làm xét nghiệm nhiễm sán lợn?

Từ trước đến nay xét nghiệm chẩn đoán sán lợn thường chỉ làm cho người có nguy cơ hoặc triệu chứng. Ví dụ như bệnh nhân bị động kinh không rõ nguyên nhân, hay bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, khi bị các nốt dưới da... thì cần phải làm các xét nghiệm để điều trị.

Bởi vậy, nếu không có các triệu chứng bất thường hay nghiêm trọng thì không cần phải làm các xét nghiệm trên. Khi sán chưa có biến chứng gì thì cũng không cần quá lo lắng.

'Chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng 'chạy nhầm đường' mới cho chỉ định làm xét nghiệm. Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì xét nghiệm sẽ làm rối thêm', BS. Khanh khuyến cáo.

Vậy khi nghi ngờ bị nhiễm giun sán cần phải làm thế nào?

Bác sĩ Khanh cho biết, nghi ngờ ăn phải thức ăn có thể nhiễm giun sán, nếu không có triệu chứng gì thay vì việc đi làm xét nghiệm thì nên uống thuốc xổ giun cũng rất lành và không phải lo lắng nhiều.

'Nếu nhiễm giun sán thông thường thì dùng albendazol, mebendazol, pyrentel. Nghi sán lợn thì dùng Praziquantel hay albendazol. Xét nghiệm hay không cứ uống vì đâu có triệu chứng gì đâu mà lo' - bác sĩ Khanh nhận định. Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên nên ăn sạch uống sạch, chăm rửa tay và phải sổ giun cho cả thú cưng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!