Bố mẹ đừng hại con bằng những đồ chơi không rõ xuất xứ

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Nhiều bố mẹ mua đồ chơi cho trẻ mà không để ý nguồn gốc, xuất xứ, thành phần độc hại khiến trẻ nhỏ gặp nguy hiểm.

Mũ len gắn thiết bị lạ làm ảnh hưởng thính giác trẻ nhỏ

Sau thông tin đăng tải trên mạng xã hội từ một vị phụ huynh ở Nam Định về việc con có triệu chứng ù tai, đau đầu sau nhiều ngày liền đội mũ len, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác nhận tính chân thực và kiểm tra các mặt hàng tương tự trên thị trường.

Theo những thông tin mới nhất từ chi cục Quản lí thị trường tỉnh Nam Định, thiết bị lạ được nhận định là loa phát nhạc thường thấy ở các đồ chơi như điện thoại, thú nhồi bông biết nói… Điều đáng nói là khi trẻ tiếp xúc với âm thanh phát ra khi đội mũ có chứa các thiết bị này sẽ có dấu hiệu tổn thương đến thính giác hay nghiêm trọng hơn là cả hệ thần kinh.

Bố mẹ đừng hại con bằng những đồ chơi không rõ xuất xứ

Chiếc mũ len gây xôn xao trong những ngày gần đây

Nhiều đồ chơi Trung Quốc bị thu hồi

Theo danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Liên minh châu Âu về sản phẩm đồ chơi có hại đối với trẻ em, những món đồ phát ra âm thanh thường bị coi là có hại với trẻ khi tần suất âm thanh không phù hợp với sự phát triển thính giác và có chứa nội dung không lành mạnh.

Tuy vậy, những mặt hàng như ô tô đồ chơi biết rú còi inh ỏi, dép phát ra tiếng kêu, xe đẩy phát nhạc liên tục, máy kể chuyện thông minh chứa nội dung tuyên truyền không phù hợp với mục đích giáo dục trẻ em… lại được nhiều vị phụ huynh lựa chọn cho con cái.

Qua nhiều đợt thanh tra thị trường đồ chơi trẻ em, các cơ quan chức năng đã đưa ra thông tin rằng trong các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc hầu hết đều chứa chất phthalates cao quá nồng độ cho phép gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư. Đối với các loại đồ chơi phát ra âm thanh, chính tổng cục đo lường chất lượng Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng các thiết bị này đều phát ra âm thanh có âm lượng cao, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Theo các chuyên gia y tế cho biết, khi trẻ phải tiếp xúc với những âm thanh này nhiều lần với thời gian kéo dài, thính giác của trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí gây điếc.

Bố mẹ đừng hại con bằng những đồ chơi không rõ xuất xứ

Đồ chơi Trung Quốc rất đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ

Những loại đồ chơi có hại cho trẻ em

Ngoài đồ chơi phát ra âm thanh kể trên, theo ghi nhận của các cơ quan truyền thông thời gian qua liên tiếp nhiều vụ việc phát hiện đồ chơi ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần ở trẻ nhỏ. Có thể kể ra vài vụ việc tiêu biểu như sau:

Miếng dán hoạt hình

Món đồ chơi rẻ tiền này được bày bán rộng rãi ở cổng trường học và nhất là trong dịp Noel để các bé trang trí cây thông hoặc dán lên cặp sách, lên cơ thể 'cho đẹp'. Theo thông tin nhận được từ cục Quản lí chất lượng hàng hóa, chất phthalates có trong món đồ chơi này vượt ngưỡng cho phép gần 500 lần, là tác nhân gây dậy thì sớm ở bé gái và vô sinh ở bé trai chưa kể đến nguy cơ gây ung thư khi bé tiếp xúc thời gian dài.

Bố mẹ đừng hại con bằng những đồ chơi không rõ xuất xứ

Những hình dán ngộ nghĩnh rất thu hút trẻ nhỏ nhưng lại không tốt cho trẻ

Đất sét nặn

Đất nặn được coi là đồ chơi tốt cho phát triển tư duy ở trẻ em. Tuy nhiên, giá của các mặt hàng đất nặn an toàn đã qua kiểm định lại khá cao so với đất sét nhãn mác Trung Quốc tràn ngập thị trường nên ít được lựa chọn. Theo ghi nhận, những nguyên tố kim loại, chất bảo quản, phẩm màu hóa học… có chứa trong đất sét kém chất lượng có thể thâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường hô hấp và khi bé ngậm, cầm nắm… Chúng có thể gây kích ứng da, ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp và suy giảm chức năng hệ thần kinh. Ngoài ra, thông tin đất sét gây nguy cơ ung thư cao ở trẻ em cũng khiến dư luận phải hoang mang.

Đồ chơi phát triển trí tuệ

Các bộ đồ chơi xếp hình lego và hình khối có kích thước vừa vặn với đôi tay của bé đồng thời kích thích khả năng vận động, óc sáng tạo ở trẻ nhưng lại có xuất xứ không rõ ràng. Các chất độc hại như phthalates, lưu huỳnh, thủy ngân… được tìm thấy trong những món đồ chơi này khiến trẻ chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn… thậm chí gây ra nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.

Đồ chơi bạo lực

Các món đồ chơi như súng nhựa, đao, kiếm… có khả năng gây thương tích lớn. Điển hình là vụ bé trai 11 tuổi ở Ninh Thuận thủng thủy tinh thể do pin trong đồ chơi bị nổ cuối tháng 9/2015. Một trường hợp tử vong khác được phát hiện ở Trung Quốc khi viên đạn cao su chứa trong đồ chơi văng ra chèn vào khí quản trẻ, dẫn đến co thắt khí quản đột ngột gây phù cấp và xuất huyết màng dịch phổi. Đấy là chưa kể đến tác hại của những món đồ chơi này đối với tư duy, nhận thức ở trẻ em.

Bố mẹ đừng hại con bằng những đồ chơi không rõ xuất xứ

Đồ chơi không chỉ vui mà cần phải an toàn với trẻ nhỏ

Lưu ý khi chọn đồ chơi cho trẻ

Ngày 18/11, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Hà Nội đã thu giữ 79.000 loại đồ chơi, quà vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ, có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe trẻ nhỏ. Chúng chứa các chất độc hại gây bệnh cho trẻ sau này và chưa được cơ quan chức năng của Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Các loại đồ chơi, quà vặt này hầu hết được bày bán ở các cổng trường và thu hút trẻ nhỏ. Có rất nhiều sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc gây độc hại cho trẻ. Vì vậy, khi chọn đồ chơi cho con, bố mẹ cần lưu ý:

- Chọn đồ chơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm định an toàn cho trẻ nhỏ.

- Nên chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

- Chọn mua đồ chơi có tính giáo dục, kích thích trẻ suy nghĩ, lý luận, óc sáng tạo và phát triển sự khéo léo, tỉ mỉ.

- Âm thanh phát ra từ các món đồ chơi có thể gây hưng phấn cho trẻ nhưng không được có âm lượng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.

- Nên chọn đồ chơi lớn hơn miệng trẻ nhưng không được quá to hoặc nặng hơn khả năng cầm nắm của trẻ, không có dây và nam châm, được làm từ chất liệu nhựa và sơn an toàn, không có cạnh sắc, khó tháo rời các chi tiết nhỏ.

- Chọn mua đồ chơi phù hợp với túi tiền.

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!