Đỗ Lệ Hà (TP. Hồ Chí Minh)
Magie (Mg) là một trong các nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng của cơ thể như tham gia cấu trúc tế bào. Magie gắn với acid nucleic, tham gia cấu trúc các màng, điều hòa độ thẩm thấu của màng, giúp quá trình hô hấp tế bào; tham gia tổng hợp protein và tổng hợp chất sinh năng lượng ATP...
Magie còn có vai trò hoạt hóa khoảng 300 men tham gia chuyển hóa các chất protein, lipid và glucid. Nó cũng giúp vận hành các hoạt động sinh lý như: magie làm dịu thần kinh nhờ cố định trên tế bào thần kinh; nếu thiếu magie, thần kinh dễ bị kích thích, gây co giật; magie làm giảm độ dẫn truyền và giảm kích thích cơ tim nên được dùng điều trị rối loạn thần kinh tim; magie chống giảm oxy máu, bảo vệ thành mạch máu, là chất ổn định tiểu cầu. Cùng với canxi, magie cần thiết cho sự phát triển của xương, giúp chống lại quá trình lão hóa xương. Magie kích thích chức năng thận, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều loại hormon…
Các thực phẩm giàu magie.
Mặc dù magie có nhiều vai trò quan trọng như vậy nhưng chưa thấy có nghiên cứu nào chứng minh magie có tác dụng hạ mỡ máu. Tuy nhiên khi thiếu magie có thể gây tăng lipid máu. Vì vậy bạn nên bổ sung đầy đủ magie, tốt nhất thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Magiê trong thức ăn thực vật cao hơn trong thức ăn nguồn gốc động vật, trong lương thực và đậu cao hơn rau, trong rau lá xanh đậm cao hơn rau lá nhạt màu. Tính trong 100g thức ăn thì lượng magie (tính bằng mg) lần lượt là: nhân quả bàng: 600; hạt vừng đen: 347; lạc nhân: 306; đậu nành: 279; hạt vừng trắng: 220; đậu xanh: 200; đậu trắng: 145; rau ngót: 129; gạo lức: 112; rau dền cơm: 105…
Nếu bổ sung magie bằng thuốc cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý bổ sung vì có thể gặp nhiều biến cố bất lợi cho sức khỏe người dùng thuốc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!