Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng thanh niên địa phương dọn dẹp những vật dụng dễ thành nơi muỗi đẻ trứng tại các khu nhà trọ ở phường An Phú, thị xã Thuận An. Hàng trăm con cá bảy màu, lia thia đã được thả vào các bình, lu vại chứa nước để diệt ấu trùng của muỗi, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Bộ trưởng Y tế thả cá vào chậu để ngừa loăng quăng (Ảnh: N.T)
Tỉnh Bình Dương là một trong số tỉnh thành có số ca sốt xuất huyết tăng mạnh trên cả nước. Theo ông Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế Bình Dương, từ đầu năm đến nay tỉnh ghi nhận 2.800 ca sốt xuất huyết, 8 người tử vong trong đó có một người lớn và 7 trẻ em. Theo báo cáo chưa đầy đủ của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện cả nước có hơn 34.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cướp đi sinh mạng 28 người. Hiện ca bệnh còn tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bộ trưởng Y tế cho rằng nguyên nhân bùng phát sốt xuất huyết phần lớn do ý thức phòng ngừa bệnh, diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường trong nhân dân còn hạn chế. Nhiều địa phương tổ chức chiến dịch tiêu diệt muỗi, loăng quăng nhưng không duy trì liên tục trong 2 tuần theo chu kỳ sinh trưởng của muỗi khiến muỗi truyền bệnh có điều kiện phát triển. Đây là tác nhân bùng phát, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
'80-90% ca bệnh là nhẹ đều có thể điều trị tại tuyến cơ sở. Tuy nhiên tâm lý của người dân lo sợ nên đều đưa lên tuyến trên khiến các bệnh viện quá tải, gây khó khăn cho công tác điều trị', bà Tiến nhận xét. Bộ trưởng Y tế lo ngại nhiều ca ở thể nhẹ nhưng khi đưa lên tuyến trên vô tình làm lây nhiễm chéo, nhất là trẻ em có nguy cơ mắc thêm các bệnh khác dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Đổ nước từ các lu chậu để diệt ấu trùng muỗi (Ảnh: N.T)
Bộ trưởng Tiến lưu ý các địa phương cần vận động người dân ý thức phòng chống bệnh như kiểm tra, phát hiện diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thường xuyên rửa, đậy kín các lu, khạp, bể chứa nước; thả cá để tiêu diệt loăng quăng, thay nước ở các bình bông, lọ hoa; thả muối hoặc hóa chất và bát nước kê chân chạn, bể cảnh. Người dân cũng nên loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến, thu gom đồ phế thải để không cho muỗi đẻ trứng. Cộng động dân cư cũng cần phối hợp, tạo điều kiện cho ngành y tế phun hóa chất khi có dịch xảy ra, tránh bỏ sót các gia đình không được phun hóa chất diệt muỗi.
Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhìn nhận: 'Ai cũng biết không có loăng quăng thì không có sốt xuất huyết. Tuy nhiên giải được bài toán không có loăng quăng rất khó khăn, bằng chứng là dịch sốt xuất huyết gia tăng gần đây'. Ông Phu khuyến cáo người dân ý thức hơn trong chủ động phòng chống dịch bệnh, bằng cách diệt muỗi và loăng quăng ở nơi ở.
Dịch sốt xuất huyết hiện đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Bệnh thường có chu kỳ bùng phát 4-5 năm một lần, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở người lớn luôn cao hơn trẻ em. Bệnh tăng vào mùa mưa, thường từ khoảng tháng 4 đến tháng 11. Tại miền Nam do có khí hậu nắng nóng, mưa nhiều nên bệnh xuất hiện quanh năm. Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay các tỉnh miền Nam có 31.744 trường hợp mắc bệnh (tỷ lệ 73,6% cả nước).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!