Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua và khen thưởng (Bộ Y tế) khẳng định, ông đã liên lạc với lãnh đạo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 'Lãnh đạo Bệnh viện khẳng định đây là hình ảnh giả mạo', ông Đình Anh nói.
Bệnh nhân N.H.N đang điều trị tại Bệnh viện (ảnh chụp lúc 17h30 ngày 7/3)
Ông Đình Anh đề nghị, mọi người khi lướt mạng cần tỉnh táo để kiểm chứng thông tin, tham khảo thông tin chính thống của các cơ quan chuyên môn y tế.
'Chúng ta hãy bình tĩnh, khôn ngoan, trách nhiệm trước mọi thông tin', ông Đình Anh nhấn mạnh.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook chiều 7/3 lan truyền hình ảnh cô gái trong tình trạng nặng phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực và đồn đoán là ca nhiễm Covid- 19 tại Hà Nội khiến nhiều người hoang mang.
Bệnh nhân N.H.N được nhân viên bệnh viện phục vụ cơm chiều nay.
Trên thực tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định hình ảnh lan truyền trên mạng không phải là bệnh nhân mắc Covid - 19 đang điều trị tại viện mà là hình ảnh giả mạo gây hoang mang dư luận.
'Các bệnh nhân mắc Covid - 19 đều được điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ở tầng 1. Trong khi đó, bức ảnh bệnh nhân chạy ECMO được chụp trên tầng cao.
Hiện tại các bệnh nhân cách ly tại đây chưa có bệnh nhân nào phải thở máy hay chạy ECMO', thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định.
Hình ảnh giả mạo đang được lan truyền trên MXH
Bác sĩ điều trị cũng thông tin thêm, các bác sĩ đã có lời khuyên bệnh nhân không dùng điện thoại trong quá trình cách ly, điều trị, tránh những ảnh hưởng xấu về tâm lý, sức khỏe trước sự 'giận dữ' của cộng đồng mạng.
Cũng liên quan đến bệnh nhân này, Bộ Y tế vừa xác nhận thêm 2 người dương tính với Covid- 19. Họ đều là những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân N. (lái xe và bác ruột).
Hiện, TP Hà Nội đã xác định được 33 người tiếp xúc gần với cô gái và 90 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, hiện được cách ly theo dõi chặt chẽ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!